Giải thưởng khoa học triệu đô VinFuture 2022 nhận được gần 1.000 đề cử

Quý Hiên
Quý Hiên
18/12/2022 15:32 GMT+7

Theo các nhà khoa học tham gia hội đồng giải thưởng và hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture 2022, điều tạo nên sự khác biệt của VinFuture là sự đề cao tiêu chí phục vụ nhân loại của các công trình khoa học được đề cử.

Tối ngày 20.12, những chủ nhân của giải thưởng chính và các giải đặc biệt giải thưởng VinFuture 2022 sẽ được vinh danh tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên VTV1 cùng nhiều kênh truyền thông quốc tế, gồm: CNN, Discovery, TechNode Global và Euronews.

Một số thành viên các hội đồng giải thưởng, hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture 2022 tham gia giao lưu tại Trường ĐH VinUni sáng 17.12

Thanh Lâm

Tái thiết và hồi sinh”

Dù đều đã có mặt tại Hà Nội và tham dự các cuộc giao lưu với truyền thông Việt Nam, nhưng các nhà khoa học quốc tế là thành viên các hội đồng giải thưởng và hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture vẫn từ chối tiết lộ cụ thể tên tuổi các nhà khoa học sắp được vinh danh.

Tuy nhiên, tất cả thành viên các hội đồng khi được hỏi đều khẳng định, chắc chắn những công trình được trao giải đều đạt những bước tiến rất lớn về mặt khoa học, đặc biệt là phù hợp với chủ đề giải thưởng năm nay là “tái thiết và hồi sinh”.

Hội đồng sơ khảo năm nay có một thành viên mới, GS Quarraisha Abdool Karim, Phó hiệu trưởng phụ trách sức khỏe châu Phi (ĐH KwaZulu-Natal, Nam Phi). Ở mùa giải đầu tiên (VinFuture 2021), bà và chồng mình là GS Salim S. Abdool được giải đặc biệt dành cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, với công trình nghiên cứu phương pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

GS Karim cho biết, được mời tham gia hội đồng sơ khảo là một vinh dự với bà. Bà và các đồng nghiệp của mình đã có quãng thời gian khó khăn để rút gọn danh sách khi có quá nhiều nghiên cứu tuyệt vời.

Trước khi tham gia hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture, bà từng ở trong một số thẩm đoàn, ủy ban các giải thưởng khoa học. Nhưng bà vẫn ấn tượng với số lượng đơn đăng ký trong mỗi danh mục cũng như chất lượng, tỷ lệ phân bố về địa lý, giới tính của các nhà khoa học, những công trình tham gia đề cử VinFuture năm nay.

Cũng theo GS Karim, dù chủ đề khác nhau qua từng năm nhưng tiêu chí xét giải không thay đổi, đó là sự xuất sắc trong lĩnh vực khoa học. “Tôi thấy nhiều nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Rất nhiều dự án mới trong giai đoạn đầu của nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sức ảnh hưởng và khả năng tác động của các nghiên cứu, không quan trọng là nghiên cứu đang ở giai đoạn nào”, GS Karim nói.

GS Daniel Kammen (ĐH California, Berkeley), một thành viên của hội đồng giải thưởng VinFuture 2022 chia sẻ: thế giới sau đại dịch Covid - 19 đòi hỏi các nhà khoa học phải có một quá trình kết nối với nhau để cùng giải quyết những vấn đề nổi trội của đời sống nhân loại.

"Bối cảnh đó khiến các nhà khoa học xích lại gần với nhau hơn, để cùng thảo luận và đưa ra quyết định xem những câu hỏi gì là quan trọng nhất bây giờ, là an ninh lương thực hay là năng lượng sạch, hay bình đẳng giới…? Điều gì quan trọng nhất thì điều đó sẽ được thể hiện ở giải thưởng VinFuture 2022", GS Daniel Kammen nói.

Theo Chủ tịch hội đồng giải thưởng, GS Richard Henry Friend (ĐH Cambridge, Vương quốc Anh), năm nay số lượng đề cử tăng vượt trội so với năm ngoái cho thấy giải thưởng đã tạo được sức hút đối với giới khoa học.

“Nhờ tham gia hội đồng giải thưởng nên tôi được hiểu những điều gì đang xảy ra trên thế giới này. Qua đó tôi nhận thấy có một điều lạc quan đang diễn ra là các nhà khoa học trên thế giới đang hợp tác với nhau để tạo nên những công trình phục vụ nhân loại và khoa học không chỉ thuộc về các nước giàu mà còn thuộc về những nơi đang phát triển”, GS Friend nói.

Tôn vinh các nghiên cứu, sáng chế đột phá

GS Jennifer Tour Chayes, Trưởng khoa Thông tin (ĐH California, Berkeley), tham gia hội đồng giải thưởng VinFuture từ năm ngoái, vì thế, bà có căn cứ để tin tưởng sâu sắc vào sứ mệnh mà giải thưởng đặt ra là tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn; đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

“Tôi tin là bất kỳ nhà khoa học nào cũng lấy làm hãnh diện vì được nhận giải thưởng VinFuture. Trên thế giới có rất nhiều giải thưởng khoa học danh giá khác, nhưng những giải thưởng ấy chỉ xét chọn thuần túy về khoa học, chỉ VinFuture là đặt ra tiêu chí phụng sự nhân loại lên hàng đầu”, GS Chayes nhận xét.

Theo GS Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc trung tâm polyme và chất rắn hữu cơ (ĐH California, Santa Barbara, Mỹ), hiện giờ Quỹ VinFuture của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới biết đến thông qua giải thưởng VinFuture.

Thậm chí nhiều người còn ngạc nhiên, tại sao ở một đất nước còn chưa phát triển như Việt Nam lại có người có được tầm nhìn trong việc kết nối giới khoa học công nghệ toàn cầu.

Cũng theo GS Quyên, có 50 đề cử được đánh giá cao và những công trình này chủ yếu thuộc các lĩnh vực trồng trọt, năng lượng sạch, vật liệu mới, y khoa… "Giải thưởng này được cộng đồng khoa học rất ngưỡng mộ, vì nó hướng tới khoa học phục vụ chung cho cả người giàu và người nghèo”, GS Quyên bình luận.

Theo Hội đồng giải thưởng VinFuture 2022, số lượng đề cử mà Ban tổ chức nhận được năm nay là 970 công trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ 71 quốc gia trên khắp 6 châu lục, tăng đáng kể so với 599 đề cử của năm 2021.

Các công trình xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn để trao các giải thưởng, gồm: giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD, là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu; 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.