Giải tỏa nhà tập thể ở Đà Nẵng: 'Chuyển đi đâu?'

29/10/2015 14:00 GMT+7

Nhiều người dân sinh sống lâu năm trong các khu tập thể (KTT) tại TP.Đà Nẵng cho hay họ chấp thuận di dời nếu chính quyền địa phương có những chính sách hợp lý.

Nhiều người dân sinh sống lâu năm trong các khu tập thể (KTT) tại TP.Đà Nẵng cho hay họ chấp thuận di dời nếu chính quyền địa phương có những chính sách hợp lý.

Cảnh nhếch nhác, ẩm thấp do xuống cấp tại một số KTT trên địa bàn P.Hải Châu 1 - Ảnh: Hoàng SơnCảnh nhếch nhác, ẩm thấp do xuống cấp tại một số KTT trên địa bàn P.Hải Châu 1 - Ảnh: Hoàng Sơn
UBND TP.Đà Nẵng vừa có thông báo kết luận phương án xử lý các KTT xuống cấp trên địa bàn. Theo đó, sẽ giải tỏa, di dời 9 KTT tại các địa chỉ: số 5 Nguyễn Thái Học, 57 Hùng Vương, 69B Trần Phú, 159 Trần Phú, 10 Trần Bình Trọng, 110 Hoàng Diệu, 23 Nguyễn Thiện Thuật, KTT 129 Hải Phòng, KTT 50-52 Lê Lai hiện đang xuống cấp với chất lượng kiểm định còn lại dưới 40%. Theo UBND TP.Đà Nẵng việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại các KTT đã nêu nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản trong mùa mưa bão sắp đến.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, đối với các hộ hiện đang sử dụng KTT để ở sẽ được bố trí mỗi hộ 1 lô đất TĐC theo diện hộ chính tại khu nam cầu Cẩm Lệ, thu tiền sử dụng đất theo quy định đồng thời, hỗ trợ 60% tiền nhà, 60% tiền đất và hỗ trợ phần tự làm thêm nếu có (trừ những trường hợp đã được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở theo diện chính sách).
KTT số 57 Hùng Vương nhìn vẻ bề ngoài trông rất nhếch nhác. Phần diện tích mái hiên của các tầng đều được các hộ dân cơi nới, mở rộng để lấy làm nơi sinh hoạt. Thế nhưng, khi PV đề nghị được vào khảo sát, nhiều người dân buôn bán ở tầng trệt liền can ngăn vì cho rằng “KTT vẫn còn kiên cố và chưa xuống cấp”.
Ông Phạm Ngọc Sáng (48 tuổi) cho biết: “Cha tôi nguyên là cán bộ ngành đường sắt được cơ quan chủ quản cấp nhà ở mấy mươi năm qua. Bây giờ cả nhà dựa vào việc buôn bán, giờ chuyển thì chuyển đi đâu, mưu sinh bằng nghề gì?”.
Nhiều người dân khác cho biết, họ ủng hộ chủ trương chung của TP nhưng khi tổ chức giải tỏa khu nhà thì phải được bố trí những khu đất có giá trị tương đương. “Lô đất mới phải hơn hoặc chí ít thì cũng bằng với lô của gia đình chúng tôi đang sinh sống thì chúng tôi mới chấp nhận được”, ông Phạm Văn Ngời (48 tuổi) khẳng định.
“Trước khi di dời, chính quyền địa phương phải cho chúng tôi biết lý do? Mục đích sử dụng đất sau khi di dời? Hoặc nếu bán thì các ngành cũng phải tạo điều kiện và ưu tiên cho chúng tôi được mua lại”, ông Sáng nói thêm. Theo UBND P.Hải Châu 1, trong 5 KTT phải giải tỏa thì khu nhà 69B Trần Phú xuống cấp nặng nề nhất. Nhiều kết cấu bê tông cốt thép theo thời gian đã rệu rã, mái ngói thủng lỗ chỗ. Trong khi đó, một số mảng tường bị thấm nước lâu năm đã mọc rêu.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Phó chủ tịch UBND P.Hải Châu 1 cho biết đã nhận được kế hoạch họp giải quyết việc di dời các hộ dân tại các KTT xuống cấp từ phía Công ty Quản lý Nhà TP. Ông Nam cũng nhìn nhận, việc người dân sống tại các KTT hàng chục năm qua, nay triển khai di dời là một công tác khó. Bởi giải tỏa sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán của nhiều hộ dân vốn có nhà mặt tiền ở những tuyến phố sầm uất. “Qua họp với các hộ dân buộc phải di dời, các bên liên quan và địa phương sẽ lắng nghe nguyện vọng của họ để có những bước tiếp theo”, ông Nam cho biết, từ ngày 28.10 đến ngày 11.11, lãnh đạo phường và các đơn vị sẽ họp bàn kế hoạch di dời 5 KTT đã nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.