Giải Trần Hữu Trang diễn ra sau nhiều lần tạm hoãn

Hoàng Kim
Hoàng Kim
02/10/2020 16:08 GMT+7

Nhiều lần tạm hoãn vì dịch Covid-19 , cuối cùng cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang cũng diễn ra vào ngày 3, 4 và 5.10 với 22 thí sinh của khu vực TP.HCM.

Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang (giải Trần Hữu Trang) dành cho diễn viên chuyên nghiệp của các đơn vị sân khấu công lập lẫn xã hội hóa, không ai là nghiệp dư.
Trong 3 ngày (3, 4, 5.10), tại Nhà hát Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo) diễn ra vòng sơ kết của khu vực TP.HCM. Còn khu vực Hà Nội thi trong hai ngày 8 và 9.10. Khu vực Cần Thơ thi vào 12, 13 và 14.10. Sau đó sẽ tuyển chọn các thí sinh của ba khu vực để dự thi vòng bán kết.

Diễn viên Nhã Thy dự thi vai Bùi Thị Xuân trong trích đoạn Nữ tướng Bùi Thị Xuân

ẢNH: NSCC

Năm nay ngoài giải thưởng cho các vai kép mùi, đào mùi, còn có thêm giải cho đào lẳng, kép độc, đào mụ, kép lão. Cho nên trong danh sách thí sinh có những gương mặt lão thành như Thanh Sơn, Linh Trung, Khánh Tuấn, và có những diễn viên tuy ngày thường hay đóng vai mùi nhưng đã chọn thi vai lẳng độc như Kim Ngân, Hà Như, Tô Tấn Loan, Kim Nhuận Phát, Thanh Toàn, Thúy My… Phần còn lại là đào kép trẻ đẹp dự thi vai mùi như Nhã Thy, Ngân Tuyết, Lê Trung Thảo, Diễm Thanh, Lê Thanh Thảo, Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Mẹo…

Diễn viên Hiền Linh dự thi vai Lê Quyết, kép lão trong trích đoạn Trời Nam (soạn giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương Đức Hiền)

ẢNH: NSCC

Trong 22 thí sinh dự thi đó, đa số là diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang, còn lại là diễn viên tự do hoặc của các sân khấu xã hội hóa như Sân khấu Chí Linh-Vân Hà, Sân khấu Kim Ngân, Đoàn Thanh Nga… Và hầu hết họ cũng đã nổi tiếng, khán giả quen mặt quen tên, chỉ có điều chưa chạm tay tới giải Trần Hữu Trang nên họ quyết tâm đi thi. Năm nay cuộc thi đã mở rộng ra quy mô toàn quốc nên huy chương sẽ được tính vào quy chế xét phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân.

Diễn viên Võ Thành Phê

ẢNH: NSCC

Những trích đoạn kinh điển sẽ được công chúng thưởng thức một lần nữa, chẳng hạn Bên cầu dệt lụa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Đời luận anh hùng, Sông dài, Tô Ánh Nguyệt, Dấu ấn giao thời, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Hoa đất, Câu thơ yên ngựa, Rạng ngọc Côn Sơn, Bến nước Ngũ Bồ, Nữ tướng Bùi Thị Xuân… Đây là những trích đoạn nổi tiếng, từng được nhiều người diễn, cho nên thí sinh càng bị thử thách, phải tìm ra cái mới cho mình để vượt lên những “cái bóng” đã qua.

Nghệ sĩ Linh Trung, dự thi vai Manh, kép lẳng trong trích đoạn Tình mẫu tử (soạn giả Viễn Châu)

Tôi đã có 8 huy chương vàng lẫn bạc, chỉ tại không chịu làm hồ sơ phong Nghệ sĩ Ưu tú thôi. Nhưng tôi đi thi cho có phong trào, cho có đủ các loại vai mà ban tổ chức đề ra. Dù sao mình cũng góp phần khiến các em trẻ sôi động hơn. Tôi chỉ mong các nghệ sĩ lão thành tham gia nhiều hơn để khẳng định lại thành quả của cải lương, chứ thắng thua không còn quan trọng. Nhiều anh chị em tuy không có giải gì nhưng khán giả vẫn yêu mến, vì mấy chục năm trong đời các anh chị đã cống hiến cho nghệ thuật.

Võ Thành Phê, Chuông vàng Vọng cổ 2008, dự thi vai Niểng, kép mùi trong trích đoạn Sông dài (tác giả Hà Triều-Hoa Phượng)

Ngày trước tôi là người bình thường đi thi Chuông vàng Vọng cổ, đoạt giải đã là một điều rất mừng. Nhưng bây giờ tôi lại đi thi bởi giải Trần Hữu Trang là giải chuyên nghiệp, mình được cọ xát với anh em nghệ sĩ chuyên nghiệp của các đoàn, mình sẽ tiến bộ hơn. Dù thắng hay không thì tôi cũng sẽ thu hoạch cho mình những điều hay về nghề. Tôi đã được Nhà hát Trần Hữu Trang thu nhận từ mấy năm qua, tôi nghĩ mình phải rèn luyện rất nhiều để bước vào thánh đường sân khấu, chứ không ỷ lại vào huy chương. Rèn luyện từ một cuộc thi cũng là cách hay, bởi đòi hỏi mình phải chịu được áp lực cao, tinh thần vững vàng.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.