Nhìn một cách tổng quan, bộ phim Cậu Vàng chỉ lấy cảm hứng từ truyện ngắn của Nam Cao chứ không hoàn toàn trung thành với nguyên tác. Dĩ nhiên nhà làm phim có quyền cải biên chất liệu văn học sao phù hợp với câu chuyện điện ảnh mình muốn kể, nhưng điều đáng nói ở đây là những biến tấu, thêm thắt của họ có phục vụ dụng ý nghệ thuật nào không? Hay tất cả chỉ là sự chắp vá thô thiển? Trong trường hợp phim Cậu Vàng, câu trả lời là không. Tác phẩm mới nhất của đạo diễn Trần Vũ Thủy là một phiên bản mô phỏng sơ sài dựa trên các nhân vật và thế giới nghệ thuật của nhà văn Nam Cao.
|
Gọi là bản mô phỏng sơ sài vì phim Cậu Vàng không có bối cảnh xã hội - lịch sử cụ thể, do đó câu chuyện về lão Hạc diễn ra hết sức hời hợt. Người xem khó mà hiểu tại sao lão Hạc lại khổ như vậy và cái khổ của lão bắt nguồn từ đâu. Trường hợp Binh Tư cũng tương tự, nếu không biết trước bối cảnh xã hội diễn ra câu chuyện thì bi kịch tha hóa của hắn chẳng còn sức nặng.
Cậu Vàng cũng gây tiếc nuối ở phần hình ảnh, mang lại kha khá cảm giác khó chịu cho người xem khi bị lỗi ở màu phim, dựng phim khá nhiều. Màu sắc lộn xộn, lúc nóng lúc lạnh, hình ảnh nhiều phân cảnh bị bể, nhòe. Đoạn kể về những khoảnh khắc tăm tối như giai đoạn người nông dân mất mùa, bị lũ cường hào ác bá bóc lột sưu thuế thì màu sắc và hình ảnh trong phim rất tươi sáng, thơ mộng. Hình ảnh phim bày ra đôi khi mâu thuẫn với diễn biến chuyện phim và câu thoại của các nhân vật, ví dụ đoạn lão Hạc cảm thán rằng người dân ở đây đối xử với nhau như ác thú, trong khi mọi người đã cùng chung tay giúp lão xây dựng lại mảnh vườn.
|
Sáng tạo riêng của phim là nối dài câu chuyện về người vợ ba của Bá Kiến, cũng như mô tả quá trình hoàn lương của Binh Tư. Dẫu vậy, những chi tiết sáng tạo như vậy lại khiến cho mạch truyện rời rạc. Phim có quá nhiều tuyến nhân vật mà không có một nhân vật trung tâm dẫn dắt. Những bi kịch nhỏ lẻ của lão Hạc, Binh Tư hay người vợ ba trở nên phân mảnh, không có điểm kết nối chung. Vai trò của những nhân vật như Bá Kiến, ông giáo... càng về cuối phim càng mờ nhạt. Cũng cùng dựa trên chất liệu văn học nhưng bộ phim kinh điển Làng Vũ Đại ngày ấy làm tốt hơn khi biến nhân vật ông giáo thành chứng nhân lịch sử của làng Vũ Đại.
Cách xây dựng cậu Vàng có nhiều điểm vô lý. Đầu tiên, một chú chó sống ở làng quê miền Bắc thời xưa chắc chắn sẽ không nhận được những biệt đãi như cậu Vàng, vì cậu đi đâu cũng được ôm ấp, cưng chiều, được lão Hạc cho nằm cạnh trên giường, mà quan điểm xem thú cưng như người bạn chỉ mới xuất hiện trong thời hiện đại. Trước đó, nhà sản xuất Cậu Vàng cũng gây tranh cãi khi tuyển chú chó để vào vai chính là giống chó Shiba Inu vốn là một trong những giống chó quý có nguồn gốc Nhật Bản. Được biết ê-kíp đã phải xử lý kỹ thuật chuyên môn riêng về hóa trang như chế độ giảm cân cho bé Vàng trước thời điểm bấm máy để đảm bảo Vàng xuất hiện trên phim là hình ảnh một chú chó thuần Việt.
|
Kế tiếp, những cảnh xuất hiện cậu Vàng đều không ổn về mặt logic, ví dụ trong cảnh đám người của Lý Trưởng cầm gậy gộc đến nhà lão Hạc đòi nợ, chẳng hiểu sao chỉ cần một con chó xông ra sủa vài tiếng là tất cả đều lùi lại sợ hãi. Suốt bộ phim, chú chó hiện lên "quyền lực" chẳng khác nào một vị anh hùng, vừa bảo vệ chủ, cứu người, vừa thoát khỏi tay kẻ xấu và cầm đầu bè lũ chó hoang. Có lẽ những tình tiết phóng đại quá mức sự thông minh, can đảm của cậu Vàng chỉ có tác dụng "câu khách", phục vụ khán giả yêu thú nuôi là chính.
Vì ôm đồm rất nhiều tuyến nhân vật nên bộ phim khép lại một cách chóng vánh, an toàn và dễ quên. Về diễn xuất, các diễn viên hóa thân tương đối tròn vai, dù Will đôi lúc không biết tiết chế biểu cảm trong vai phản diện. Tạo hình nhân vật Binh Tư còn quá hiện đại so với câu chuyện. Suy cho cùng thì lỗ hổng lớn nhất của phim nằm ở kịch bản nên ngay cả những diễn viên gạo cội như NSƯT Hữu Châu dù diễn tốt cũng không thể cứu vãn câu chuyện đầy “sạn”.
Bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên gồm Viết Liên (Lão Hạc), Hữu Châu (Bá Kiến), Will (Lý Cường), Băng Di (Vợ ba)... Kịch bản do NSND Bùi Cường chấp bút, Trần Vũ Thủy đảm nhận vai trò đạo diễn.
Bình luận (0)