'Da 5 Bloods': Góc nhìn chiến tranh Việt Nam từ một lăng kính phiến diện

18/06/2020 20:25 GMT+7

Trước giờ, Spike Lee vẫn chuyên trị dòng phim về thân phận người da màu tại Mỹ.

Lần này ông chọn một góc nhìn khác lạ: khai thác câu chuyện của những người lính da đen trong chiến tranh Việt Nam, với mục đích tìm điểm chung giữa những sắc dân bị đàn áp dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ. 
Da 5 Bloods xoay quanh 4 cựu binh Mỹ là Paul (Delroy Lindo), Eddie (Norm Lewis), Otis (Clarke Peters) và Melvin (Isiah Whitlock Jr.) trở lại Việt Nam tìm hài cốt người đồng đội Norman (Chadwick Boseman) và số vàng họ từng chôn giấu trong chiến tranh. Chuyến đi này chính là cơ hội để họ đối mặt và vượt qua bóng ma quá khứ.

Dưới sự lãnh đạo của Martin Luther King, người da màu ở Mỹ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam

Ảnh: AFP

Lối làm phim của Spike Lee vẫn mang chất hài hước đen, pha trộn hư cấu và những đoạn tư liệu lịch sử nhằm củng cố thêm sức nặng phê phán. Phim ông mở đầu và kết thúc toàn bằng các trích đoạn như vậy, là cách đánh động khán giả về một thực tế tàn khốc đã và đang diễn ra ngoài kia. Mạch phim đan cài song song cảnh quay thời hiện đại với cảnh hồi tưởng quá khứ, thể hiện qua sự thay đổi tỉ lệ khung hình liên tục, cũng là điểm khiến bộ phim nhận nhiều phản ứng trái chiều. Tổng cộng 4 tỉ lệ khung hình được Spike Lee chủ ý sử dụng nhằm truyền tải thông điệp riêng. Chẳng hạn, trong các cảnh chiến tranh, tỉ lệ khung hình 1.33:1 có được nhờ dùng ống kính 16mm của máy quay cầm tay, tạo ấn tượng cũ kỹ, run lắc, mô phỏng cách quay phim tài liệu. Có thể nói, cách quay, dựng phim là điểm đáng chú ý nhất về phương diện nghệ thuật trong Da 5 Bloods, hàm ý việc ta phải chuyển góc nhìn để thấy những hiện thực khác nhau, những câu chuyện chưa được kể.

Ngô Thanh Vân trong tạo hình Hanoi Hannah bên cạnh đạo diễn Spike Lee

Ảnh: Instagram

Không thể không nhắc đến sự xuất hiện của những diễn viên người Việt trong Da 5 Bloods, như Johnny Trí Nguyễn trong vai hướng dẫn viên Vinh, hay Nguyễn Ngọc Lâm trong vai Quân - người có hiềm khích với lính Mỹ. Hầu hết họ đều diễn tròn vai, nhưng không để lại ấn tượng gì đặc biệt, có lẽ vì nhân vật trong kịch bản vốn đã được xây dựng khá nhạt nhòa, đơn điệu nên bản thân các diễn viên cũng không còn gì để khai thác. Đáng chú ý nhất có lẽ là Ngô Thanh Vân với vai Hanoi Hannah, dựa trên nguyên mẫu nữ phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ. Tuy chỉ xuất hiện vỏn vẹn vài phút để thông báo cho những người lính về vụ ám sát Martin Luther King trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng Ngô Thanh Vân vào vai khá mượt mà với tạo hình gây ấn tượng.  
Dù ra mắt vào thời điểm hết sức thời sự, tiếc thay Da 5 Bloods vẫn không thể thỏa mãn người yêu điện ảnh bởi sự hời hợt của Spike Lee trong việc khắc họa một đề tài cùng nền văn hóa mà ông không hề quen thuộc. Bộ phim nhanh chóng đuối dần khi đến khoảng giữa, đỉnh điểm là trường đoạn nhóm cựu binh tìm hài cốt, đào vàng, tranh cãi trong rừng dài lê thê một cách không cần thiết, được tường thuật theo phong cách khá khô khan, thiếu hấp dẫn.

Những cảnh đồng ruộng vắng lặng, thiếu vắng bóng dáng con người Việt Nam

Ảnh: Netflix

Những cảnh chiến đấu cũng được quay khá sơ sài, qua loa. Hình ảnh Việt Nam hiện lên rất mờ nhạt, dường như chỉ là phông nền cho câu chuyện của những cựu lính da màu. Những cảnh sông nước, đồng lúa xuất hiện nhiều như trong một cuộn phim du lịch, cho thấy một Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu, vẫn còn chìm trong hậu quả từ chiến tranh. Đầu phim, các nhân vật ăn mừng cuộc hội ngộ trong quán bar với những tấm poster "Apocalypse Now" treo khắp nơi, ám chỉ lộ liễu đến bộ phim về chiến tranh Việt Nam của Francis Ford Coppola, nhưng liệu có cần những chi tiết như vậy? Đáng thất vọng là sự tương tác của bốn nhân vật chính với người bản địa Việt Nam không thực sự sâu sắc, gần như không có tình bạn được thiết lập giữa họ mà chỉ toàn sự hận thù, đay nghiến từ quá khứ vọng lại, mà điều đó có thực sự phản ánh đúng con người Việt Nam tại thời điểm này? Rõ ràng Spike Lee không tránh khỏi cái bẫy phiến diện như nhiều nhà làm phim ngoại quốc mắc phải khi khắc họa những đất nước thuộc thế giới thứ ba. Vì vậy bộ phim tạo cảm giác hời hợt, thiếu tình người...
Thế nhưng với lợi thế hợp tính thời sự, Da 5 Bloods vẫn có cơ hội dự phần trong các giải thưởng điện ảnh sắp tới. Bộ phim hiện được chấm 6,8/10 trên IMDb, 93% (điểm của giới phê bình) và 60% (điểm của khán giả) trên Rotten Tomatoes.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.