Gõ cửa thăm nhà tập 52, MC Quốc Thuận và Ngọc Lan đã đến thăm nghệ sĩ Bạch Long. Trong căn nhà thuê "phòng thờ" cũng là "phòng khách", nghệ sĩ Bạch Long đã bồi hồi nhớ lại tuổi thơ chỉ gọi cha mẹ ruột là anh chị, con đường bén duyên với nghệ thuật và cuộc sống đơn chiếc hiện tại.
Từ tấm ảnh "con nít" chụp cùng nghệ sĩ Bạch Long, MC Quốc Thuận đã rất bàng hoàng khi tưởng nam nghệ sĩ có con riêng mà giấu. Sự thật đó chỉ là tấm ảnh ghép và "cậu bé" đó chính là Nguyễn Thành Tùng (tên thật của nghệ sĩ Bạch Long). Đến đây, anh trai Thành Lộc mới tiết lộ về nghệ danh của mình: "Có người coi hát gợi ý, tôi hát hay nhưng tên không hay. Nên từ hâm mộ Lý Tiểu Long, tôi lấy chữ Long rồi lấy theo tên lót của chị em trong nhà như Bạch Lê, Bạch Lựu để có Bạch Long như bây giờ".
Được sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, với cha là NSND Thành Tôn, mẹ là NSND Huỳnh Mai và các chị em là Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Lê, Bạch Lựu và NSƯT Thành Lộc, nhưng Bạch Long không sống một nhà vì khó nuôi và được cha mẹ "cho đi" từ bé. Dù từ nhỏ đã gọi cha mẹ là "anh chị" và sớm biết NSƯT Thành Lộc là em máu mủ ruột thịt, nên ông đã ra sức bảo vệ khi học chung trường. “Ai đụng đến Lộc là tôi xử ngay”, nam nghệ sĩ hài hước.
|
Theo đó, Bạch Long được ba “đặc cách” cho đi hát từ nhỏ. Tại chương trình, nam nghệ sĩ đắm chìm vào ký ức về những vai diễn thuở nhỏ. Ông khoe những kỷ vật đã gắn bó hơn 50 năm từ ngày đầu đặt chân lên sân khấu, từ "ngựa", giáo đến chiếc yếm nhỏ. Nam nghệ sĩ còn nhiệt tình diễn những trích đoạn tuổi thơ, kể những câu chuyện dở khóc dở cười gặp trên sân khấu khiến MC Quốc Thuận và Ngọc Lan cười nghiêng ngã.
Đến bây giờ, khán giả vẫn biết đến Bạch Long với lối hài vần rất đặc trưng. Đây là kết quả của quá trình quan sát và tìm ra nét đặc biệt của bản thân nam nghệ sĩ. "Ngày xưa mấy đàn cha, đàn chú thường tìm cho mình những nét đặc trưng riêng. Ví dụ chú Phi Thoàn là hề ca nhạc, chú Văn Chung là hề té, ông Thanh Việt là hề râu. Muốn làm khán giả cười mình phải có một nét riêng, nên tôi đã tự tìm tòi và sáng chế lối đi riêng cho mình là hề vần. Thấy mỗi lần diễn khán giả cười quá trời cười nên tôi cứ làm tới", ông nói.
Giàu năng lượng là thế nhưng thực tại cuộc sống đơn chiếc của nghệ sĩ sinh năm 1959 khá ảm đạm, dù từng rất nổi tiếng và thu nhập tốt. “Ngày xưa lúc tên tuổi tôi có, tôi làm nhiều tiền lắm. Lúc đó tôi ở trong một cái đình nên cứ nghĩ ở trong đó là sướng rồi, nên không nghĩ đến chuyện mua nhà. Tôi thì không phải ăn chơi trác táng, cờ bạc mà nghèo. Tôi vì mê nghệ thuật mà nghèo. Khi tôi có tiền, tôi thành lập nhóm cải lương đồng ấu Bạch Long. Tôi dạy học không lấy tiền. Rồi tôi nghĩ bây giờ mình dạy học trò hát mà không có sân khấu hoạt động thì làm sao nó nên nghề. Thế là tôi mới lấy tiền đầu tư mở đoàn hát. Khổ nỗi là thời điểm tôi mở đoàn hát thì cải lương đang bị xuống dốc. Mặc dù đoàn đồng ấu vẫn có đông khán giả nhưng giai đoạn 2-3 năm đầu là ế. Do con nít mới hát khán giả làm gì biết. Thế là ngày nào tôi cũng phải đắp lỗ”, Bạch Long trải lòng.
|
Có thể nói, “lò” đào tạo cải lương của nghệ sĩ Bạch Long, cũng là cái nôi phát hiện, đào tạo những nghệ sĩ, những tên tuổi nổi tiếng của sân khấu ngày nay như Trinh Trinh, Tú Xương, Thanh Thảo, Thi Trang... Dù đã cống hiện trọn vẹn cho đam mê, nhưng khi nhìn lại, Bạch Long vẫn luôn mang một nỗi tiếc nuối cho thanh xuân. Ông bày tỏ: “Thí dụ như hồi đó tôi làm ra tiền nhiều, nếu tôi có một "bóng hồng" yêu mình, giữ tiền giúp thì chắc chắn bây giờ không khổ”. Trước sự dò hỏi của Ngọc Lan về chuyện tình cảm hiện tại, nghệ sĩ Bạch Long ngượng ngùng tiết lộ đang có người thầm thương: “Nếu nói không thì nói xạo, có nhưng mà chưa tới đâu hết. Tôi không chắc cổ có chịu không”.
Trò chuyện riêng với Ngọc Lan trong khi MC Quốc Thuận chuẩn bị bữa cơm nhà, nghệ sĩ Bạch Long cho biết bản thân luôn cố gắng vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất mà không muốn làm phiền gia đình. “Cái tánh tôi nó ngộ lắm. Tôi không muốn làm phiền ai hết, kể cả người thân của mình. Thật ra lúc tôi đuối, tôi cũng không kể cho Lộc nghe. Từ nhỏ đến giờ tôi không sống chung với gia đình, tôi biết em tôi đang gánh nặng. Nó đang gánh nặng mà mình nhảy vô, nó phải gánh nặng luôn mình nữa. Tôi không thích điều đó", ông tâm sự.
|
Có một giai đoạn, Bạch Long cạn kiệt tiền bạc sau bốn năm thất nghiệp. Nam nghệ sĩ chỉ còn biết tháo chiếc đồng hồ ở tay, món tài sản cuối cùng đem cho học trò đi cầm. Học trò cầm đi rồi, quay về nói: “Đồng hồ này của thầy người ta không cầm”, rồi đặt lên bàn cả chiếc đồng hồ và ba trăm ngàn. Đến lúc hỏi ra thì mới biết đó là tiền lương của học trò đi bảo vệ được năm trăm, đưa cho thầy ba trăm. Khi học trò đi rồi, nam nghệ sĩ lại nằm trong phòng mà khóc.
Sau đó, Bạch Long hoạt động với vai trò diễn viên kịch cùng một số vai diễn được thiếu nhi yêu thích tại sân khấu kịch Idecaf. Nam nghệ sĩ tiết lộ, anh về chung sân khấu với em ruột là NSƯT Thành Lộc, nhưng lại không phải từ lời mời của em trai, mà như một mối duyên. “Tôi về Idecaf là một chuyện hi hữu. Lúc đó, một diễn viên trong đoàn bị động thì Huỳnh Anh Tuấn gọi điện cho tôi nhờ đóng thế. Nhưng người giới thiệu tôi lại là đạo diễn Hùng Lâm. Tôi mang ơn anh ấy, nhờ ảnh mà tôi mới còn sống", Bạch Long tiết lộ.
Bình luận (0)