Cuối tháng 6.2020, các công tố viên đã đưa ra cáo buộc tại một tòa án ở Paris về nhóm tội phạm quốc tế quy mô nhỏ nhưng hoạt động ranh mãnh suốt 8 năm, cho đến khi bị cơ quan công quyền địa phương bắt giữ. Hơn một chục người sử dụng thiết kế đã đăng ký bản quyền của thương hiệu nổi tiếng về túi xách Hermès và dùng một số vật liệu chính thống để chế tác, sản xuất và tung ra bán lẻ túi xách giả gắn mác nhãn hàng này để thu lợi khủng.
Khi cây kim trong bọc lòi ra
Trong khi Hermès ngày đêm làm việc cẩn mật, thận trọng và tinh tế với mặt hàng làm tay của mình, vừa để đáp ứng sự khao khát thèm muốn của nhóm tiêu dùng thượng lưu đối với những chiếc túi xách Birkin hay Kelly của thương hiệu, vừa để cạnh tranh với các tập đoàn thời trang hùng mạnh thì có hơn 10 người đã "bí mật cần mẫn" âm thầm xây dựng và củng cố một mạng lưới làm hàng giả. Tuy quy mô nhỏ nhưng hiệu quả. Từ các xưởng sản xuất bí mật nằm không xa khu xưởng bản doanh của Hermès, họ đã chế tác ra những chiếc túi xách mà ngay cả một số nhà sưu tập sành sỏi các sản phẩm của Hermès cũng không dám nhận là có thể phân biệt chắc chắn được thật, giả.
|
Sau nhiều tháng theo dõi, thâm nhập điều tra và lần mò theo đường đi của các hộp đựng nhãn hiệu Hermès màu cam, thậm chí cả với một số vật liệu da và phần cứng của thương hiệu, cảnh sát Pháp đã triệt phá băng tội phạm chuyên nghiệp bán lẻ túi xách giả ra một thị trường rộng lớn, bao gồm châu Âu, Mỹ và các nước Đông Á thu lợi nhuận khủng. Bởi chỉ riêng ở Pháp đã trị giá khoảng 22 triệu USD. Oái oăm là trong số 10 bị cáo đang bị xét xử ở vụ án làm hàng giả này có đến 7 người là nhân viên của Hermès. Nhóm người này không chỉ bị cáo buộc tội vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn vi phạm hình sự theo luật Pháp, do hành vi chiếm dụng và sử dụng sai mục đích tài sản của công ty. Hoạt động ngầm của nhóm bao gồm các thành viên là nhân viên của chính hãng như thợ da, thợ cắt, thợ lắp ráp. Họ đã ăn cắp bao bì gốc, nguyên liệu thô và phụ kiện như hộp có màu sắc đặc trưng, vật liệu da và phần cứng từ các nhà máy của thương hiệu có tuổi đời 183 năm này để sản xuất và bán hàng giả với mức giá lên tới 26.351 USD (hơn nửa tỉ đồng)/cái.
Các công tố viên của tòa còn đưa ra thông tin chi tiết hơn. Ba người là bạn bè cấu kết với nhau lên kế hoạch sản xuất và bán túi xách giả, hai người khác đã làm việc tại Hermès. Trong khi đó, người thứ ba xử lý công đoạn nhập khẩu da cá sấu từ vùng Bologna ở Ý, vật liệu làm túi Birkin. Còn năm người khác, cũng là nhân viên thời vụ của Hermès, một người nhận việc cung cấp phần cứng để trang trí túi xách và bốn người còn lại là công nhân da, chịu trách nhiệm lắp ráp và thêu tay logo của nhãn hàng.
Hành trình hình thành liên minh tội phạm
Vụ án đã bắt đầu rơi vào tầm ngắm của cơ quan chức năng từ năm 2011. Hermès bắt đầu nghi ngờ khi có được một số bằng chứng về các hành vi bất thường trong nội bộ thông qua các hệ thống giám sát. Họ liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật của Pháp, cung cấp dữ liệu nghi ngờ, nộp đơn trình báo và đề nghị điều tra. Quá trình này kéo dài một năm. Vào mùa xuân năm 2012, sau nhiều tháng theo dõi, giám sát và truy xét tài liệu Hermès cung cấp về các xưởng sản xuất bí mật túi xách giả nằm cách kho xưởng chính của Hermès không xa, chính quyền đã quyết định bủa lưới.
Không giống như những chiếc túi được sản xuất rẻ tiền, là hàng giả thực sự, với đường khâu và chất liệu thô cứng, vốn thường được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc và các nước xa xôi khác được rao bán với giá rẻ trên Amazon và trong các quầy hàng ở chợ trời, những chiếc túi Birkin giả trong vụ án ở Pháp có chất lượng không thua kém hàng xịn. Nhóm này không chỉ cung cấp nguyên liệu gốc được lấy trực tiếp từ các xưởng của Hermès, mà các nghi phạm chính là nhân viên của hãng còn giám sát nghiêm nhặt việc sản xuất túi giả.
|
Hàng giả, nỗi nhức nhối trong cộng đồng nhãn hàng cao cấp
Vào năm 2012, cựu Giám đốc điều hành lâu năm, Patrick Hermès, đã tiết lộ có đến 80% sản phẩm rao bán trên Internet dưới tên Hermès là hàng giả. Adrian de Flers, người đứng đầu Comitè Colbert, Hiệp hội hàng xa xỉ của Pháp, nhận định các mặt hàng càng được chế tác thủ công càng bị làm giả nhiều. Vì vậy, bắt đầu từ giữa những năm 2000, Comitè Colbert đã liên kết các thương hiệu lớn như Cartier, Chanel, Christian Dior hay Louis Vuitton hình thành nhóm doanh nghiệp đứng ra ngăn chặn làn sóng hàng giả, vốn tác động tiêu cực đến 8/10 doanh nghiệp châu Âu.
Riêng tại Mỹ, thẩm phán Denise Côte của Tòa án Quận phía Nam New York đã ra lệnh cho các nhà điều hành của 34 trang web khác nhau phải đóng phạt 100 triệu USD, với lý do đã bán và chào bán ít nhất 9 loại hàng hóa khác nhau, từ túi Birkin đến khăn lụa, mỗi loại đều giả nhãn hiệu và thiết kế của Hermès. Những túi Birkin giả cao cấp do nhóm đối tượng bị sa lưới khó phân biệt hơn vì được làm vô cùng tinh vi, nhất là lại được thực hiện bởi chính tay nghề thật của những nhân viên chính thương hiệu này. Sở dĩ có nỗi nhức nhối này vì trên thị trường túi xách Birkin đang là một khoản đầu tư tốt bên cạnh cổ phiếu và vàng.
Trong vụ án làm túi xách Birkin giả đang được xét xử ở Pháp, các bị cáo phải đối mặt với án tù lên tới 7 năm và phạt tiền đến 750.000 euro mỗi người.
Bình luận (0)