Quốc hội đã ban hành 100 luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 142 nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị; các bộ ban hành 50 thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn trực thuộc.
Cũng tính đến hết tháng 10.2016, dù số lượng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuy vẫn giữ nguyên so với nhiệm kỳ trước, nhưng tổ chức bên trong các bộ lại đều “phình” ra.
Giảm được 1 tổng cục và cơ quan cấp tương đương, nhưng tăng 30 cục và cấp tương đương của bộ, tăng 7 cấp vụ và tương đương, tăng 5 tổ chức giúp việc cơ quan thuộc Chính phủ, tăng 18 cục thuộc tổng cục và tăng 5 vụ và tương đương thuộc tổng cục. Khai mạc Hội nghị T.Ư 6 khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo; hiệu quả, hiệu lực hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đi vào đúng quỹ đạo, ít tầng nấc, bớt bộ, ngành nhưng vẫn bảo đảm quản lý nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội và trong thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công, từ đó giảm chi phí hoạt động hành chính để tạo nguồn chi cho đầu tư phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội?
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong quản trị công là nhà nước chỉ làm những việc xã hội không làm hoặc không thể làm, và chuyển giao những nhiệm vụ mà nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận, giảm bớt đầu mối trung gian.
Khi đó, phương thức hoạt động của nhà nước sẽ thay đổi theo hướng nhà nước vẫn quản lý bao quát mọi vấn đề của đời sống xã hội, nhưng tập trung vào việc ban hành thể chế và tăng cường kiểm tra, giám sát, khắc phục được tình trạng quá tải về công việc, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước với việc thực hiện chức năng dịch vụ công... Đây là tiền đề cho việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính theo hướng gọn nhẹ, hoạt động với chi phí thấp nhưng hiệu lực, hiệu quả cao.
Cải cách của VN nên bắt đầu từ khu vực dịch vụ công - khu vực chúng ta thường gọi là khối đơn vị sự nghiệp. Có cần duy trì hệ thống y tế cấp phường, xã, bệnh viện công ăn lương ngân sách nữa hay không, khi phòng khám tư nhân, bệnh viện tư nhân đã làm rất tốt việc đó? Các tổ chức xã hội nghề nghiệp thì nên sống bằng nguồn tiền từ xã hội mới công bằng... Rõ ràng không có quốc gia nào mà ngân sách nhà nước có thể “gánh” được nổi những biên chế kiểu như vậy.
Bình luận (0)