Tinh giản biên chế, muốn là làm được

07/10/2017 07:13 GMT+7

Trong khi ở nhiều bộ ngành, địa phương, việc tinh giản biên chế hết sức khó khăn, ì ạch, thậm chí “càng làm càng phình bộ máy”, thì thực tế tại một số địa phương cho thấy nếu quyết liệt sẽ làm được và làm tốt.

Quảng Ninh và Vĩnh Phúc là hai địa phương được đánh giá thực hiện có hiệu quả việc tinh gọn bộ máy, vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa đáp ứng tốt nhu cầu công việc.
Nhất thể hóa chức danh
Chia sẻ về công tác tinh giản biên chế, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết: “Trong khối 6 đoàn thể, chúng tôi đã giảm được 37 biên chế, là những người có công việc giống nhau. Việc này cũng gây ra những khó khăn lúc đầu. Nhưng sau đó chúng tôi đã sơ kết và rút ra những bài học, như mô hình “9 chung, 14 chia”. “Chung” nghĩa là có việc gì thì một văn bản gửi chung, triển khai chung, kiểm tra giám sát chung… Còn “chia” là chia theo lợi thế, đặc điểm, lĩnh vực, chẳng hạn Đoàn thanh niên thì phải thường trực cho những vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, việc làm; Hội Phụ nữ chủ trì việc xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa... Tỉnh chúng tôi có nhiều trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề đã được gộp lại để tận dụng cơ sở vật chất, nhân lực. Tương tự thì 99 ban quản lý chợ trong toàn tỉnh tới đây cũng được sắp xếp lại”.
Mỗi năm tiết kiệm hơn 300 tỉ đồng
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, sau 3 năm triển khai việc tinh giản biên chế, địa phương này đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương. Ngoài ra, Quảng Ninh đã tinh giản khoảng 1.600 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; giảm phụ cấp thường xuyên đối với gần 19.000 vị trí không chuyên trách ở cơ sở. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã cắt giảm 686 biên chế công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã so với số được giao, trong đó có 123 công chức khối Đảng, đoàn thể, 11 công chức khối chính quyền, 174 viên chức cấp tỉnh, 6 viên chức cấp huyện và 423 công chức cấp xã. Riêng cấp xã giảm 372 biên chế cán bộ công chức. Đã có 1.508/1.565 thôn bản, khu phố ở Quảng Ninh có bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu. Qua đó, mỗi năm tỉnh tiết kiệm được hơn 300 tỉ đồng từ việc tinh giản bộ máy, biên chế, chủ yếu từ tiền lương cho nhiều người nay chỉ còn một người; vật tư, văn phòng phẩm của nhiều cơ quan nay nhập làm một…

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tiến hành “nhất thể hóa” một số chức danh ở địa phương. Ông Vũ Ngọc Giao, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, phân tích: “Những năm trước, bí thư chi bộ ra nghị quyết thì trưởng thôn, khu phố thực hiện, vì thế dẫn đến tình trạng không sát thực tế, thậm chí đảng viên đứng ngoài cuộc. Nay bí thư chi bộ cũng là trưởng thôn, khu phố, mọi người cùng làm, nhân dân sẽ tin tưởng, làm theo”.
Nhìn nhận về chủ trương nhất thể hóa cán bộ mà địa phương này đang rốt ráo triển khai, ông Trương Công Ngàn, Bí thư, Chủ tịch UBND H.Tiên Yên (Quảng Ninh), thẳng thắn: “Làm cả bí thư lẫn chủ tịch thì phải áp lực, vì đầu việc là gấp đôi, mình phải làm thế nào để phân chia thời gian cho hài hòa. Các phòng, ban như văn phòng huyện ủy, UBND, HĐND đã nhất thể hóa; ủy ban kiểm tra, thanh tra, hay cơ quan dân vận, MTTQ cũng đã nhất thể hóa chức danh lãnh đạo thì áp lực cho anh em là người đứng đầu các cơ quan ấy sẽ lớn hơn, nhưng khi triển khai công việc sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn”.
Giảm lực lượng không chuyên trách
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cho biết thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xây dựng và ban hành Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 30.11.2016. Tính đến hết tháng 9 vừa qua, toàn tỉnh đã sắp xếp được 53 phòng, ban chuyên môn cấp tỉnh, huyện (trong đó có 44 phòng, ban các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 9 phòng, ban, trung tâm cấp huyện); giảm 20 đơn vị sự nghiệp công lập. Toàn tỉnh đã tinh giản biên chế 213 người (khối đảng, đoàn thể 8 người, khối chính quyền 205 người).
Từ tháng 7.2017, UBND tỉnh đã thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Qua đó thực hiện sắp xếp lại số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. “Ước tính đến hết năm 2017 giảm tối thiểu 70 - 80% số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố, tương đương gần 2.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và hơn 6.500 người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố”, ông Toàn nói.
Có cơ chế ngăn lạm quyền
Theo ông Vũ Ngọc Giao, việc tinh gọn bộ máy, nhất thể hóa một số chức danh cũng không chỉ có thuận lợi; tại cơ sở, bí thư kiêm chủ tịch UBND phường, xã có thể bị quá tải. “Nhiều việc cần trực tiếp giải quyết của người đứng đầu, nhưng hôm đó vị này đi họp, vắng mặt cơ quan thì công việc cũng có thể bị ách lại. Tuy nhiên, việc nhất thể hóa, tinh gọn bộ máy là việc làm có lợi cho nhà nước, có lợi cho nhân dân, minh chứng rõ nét nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của Quảng Ninh đã có bước tiến thần tốc, đứng thứ 2 cả nước năm 2016”, ông Giao cho biết.
Trước những lo ngại việc nhất thể hóa chức danh có thể dẫn đến việc lạm quyền, ông Giao cho biết địa phương này đã ban hành quy chế điều động và luân chuyển cán bộ theo nguyên tắc: cán bộ cấp trưởng không giữ chức vụ quá 7 năm; cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ không giữ chức vụ quá 3 năm. Ngoài ra, trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, tỉnh Quảng Ninh đang bổ nhiệm lãnh đạo quản lý từ cấp phòng đến trưởng, giám đốc sở, ban ngành thông qua việc thi tuyển bắt buộc. “Từ nay đến hết quý 1/2020, việc bổ nhiệm mới từ vị trí cán bộ giữ chức danh thấp lên chức danh cao hơn ở Quảng Ninh bắt buộc phải thực hiện thông qua thi tuyển. Trong một số trường hợp đặc thù sẽ do Thường trực Tỉnh ủy phân công, bổ nhiệm”, ông Giao khẳng định.
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Ông Hoàng Văn Toàn cũng nhìn nhận, kết quả đạt được của Vĩnh Phúc trong gần 1 năm qua là rất khả quan, nhưng việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, tinh giản cán bộ cũng gặp không ít khó khăn.
Ở một số nơi, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế: “Họ ngại va chạm, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tư tưởng trông chờ, nghe ngóng các cơ quan khác làm trước rồi mình mới làm, dẫn đến tiến độ công việc chậm so với yêu cầu”, ông Toàn cho hay.
Mặt khác, do chưa có quy định nên việc sáp nhập một số đơn vị vẫn mang tính cơ học, như Ban Tuyên giáo cấp ủy với Trung tâm bồi dưỡng chính trị; Phòng y tế với Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình...; chưa triển khai được nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu mới…
Mặc dù vậy, ông Toàn nhấn mạnh tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc triển khai thực hiện đề án 01. “Tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo nghiên cứu cơ chế tài chính và chính sách đặc thù để hỗ trợ việc thực hiện tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, ông Toàn nói.
Đổi mới chứ không chỉ cải tiến
Theo TS Lê Văn In (ảnh), nguyên Hiệu phó Trường Cán bộ TP.HCM (nay là Học viện Cán bộ TP.HCM), trong các cải cách như thể chế, bộ máy, đổi mới công tác cán bộ và tài chính thì cải cách bộ máy gồm có cả con người được coi là “nhiệm vụ khó khăn nhất”. Từ năm 1986 đến nay, mỗi lần tiến hành cải cách biên chế, Đảng và Nhà nước đều rất quyết tâm nhưng rồi càng cải cách thì bộ máy lại phình ra. Lý giải thực trạng này, ông In phân tích: Nền hành chính nước ta được đặt trong môi trường do Đảng lãnh đạo và có vai trò tham gia của tổ chức quần chúng lẫn cải cách tư pháp, trong đó vai trò của Đảng là quan trọng nhất. Từ đó rút ra kết luận không thể cải cách hành chính thành công nếu như không đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Vì vậy, muốn cải cách hành chính, tinh giản biên chế bộ máy thành công thì phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với tình hình hiện nay.
“Đất nước còn nghèo mà phải trả lương cho khoảng 4 triệu người thì có làm bao nhiêu cũng không đủ”, ông In nhìn nhận và cho rằng trước hết các tổ chức của Đảng cần tinh gọn lại để thực hiện phương thức lãnh đạo với chính quyền. Đảng đưa ra đường lối, nghị quyết và chỉ có nhiệm vụ giám sát chứ không cần phải có bộ máy nhân sự, tổ chức để thực hiện nghị quyết đó nữa. Hiện nay việc có quá nhiều ban cán sự đảng từ T.Ư đến bộ ngành, khối doanh nghiệp, khối công nghiệp… sẽ dẫn đến bộ máy hành chính phình to. Đảng không cần thiết phải duy trì hệ thống “song trùng” từ T.Ư đến địa phương. Nếu làm được điều này thì lúc đó tinh giản biên chế sẽ hiệu quả.
“Tôi nghĩ Đảng nên tiên phong, đi đầu trong việc tinh giản biên chế, con người. Đảng phải làm một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tức là đổi mới về bộ máy chứ không nên chỉ cải tiến mô hình cũ. Nếu bộ máy của Đảng được tinh giản thì lúc đó bộ máy chính quyền sẽ noi theo chứ không thể làm khác được”, ông In đúc kết.
Trung Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.