Giảm ca tử vong nhưng không chủ quan

11/02/2022 06:49 GMT+7

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ngày đầu tiên TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19 sau nhiều tháng, nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo các phương án chủ động ứng phó dịch.

Ngày 10.2, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đang từng bước có những kết quả khả quan, số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong đều giảm.

“Đây là kết quả của cả một quá trình lâu dài mà chúng ta chuẩn bị thời gian qua: tiêm chủng, chuẩn bị năng lực cho hệ thống y tế, kinh nghiệm trong điều trị và cách thức tổ chức trong phân tuyến, trong tiếp nhận điều trị bệnh nhân, quản lý sớm, điều trị sớm ngay từ cộng đồng. Tất cả góp phần giảm tỷ lệ tử vong”, Bộ trưởng Long đánh giá.

Về việc các ca Covid-19 nhiễm Omicron thời gian qua tại nước ta đều là ca nhẹ, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý tốc độ lây nhiễm của Omicron rất cao, với người chưa tiêm vắc xin là cao gấp 7 lần so với biến chủng Delta. “Chúng ta hình dung Delta đã lây nhanh như vậy mà Omicron còn gấp 7 lần, với người đã tiêm là cao gấp 3 lần. Đây chính là vấn đề nghi ngại mà chúng ta đang hết sức quan tâm lưu ý. Đó cũng là lý do vì sao tất cả những trường hợp nhập cảnh chúng ta đều phải quản lý chặt chẽ để tránh lây nhiễm trong cộng đồng”, Bộ trưởng Long nói.

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00
Covid-19 sáng 11.2: Cả nước 2.430.683 ca mắc | Vì sao cần tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi?

Chia sẻ về việc giảm các ca tử vong, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định việc bao phủ rộng vắc xin Covid-19 giúp cho các ca mắc Covid-19 giảm nhẹ hoặc không có triệu chứng; hầu hết các F0 hiện được quản lý, điều trị tại nhà với sự hỗ trợ của nhân viên y tế và tiếp cận được thuốc điều trị đã giúp giảm quá tải bệnh viện, nhờ đó nhân viên và hệ thống điều trị tập trung chăm sóc các ca nặng…, góp phần giảm tử vong.

Ông Phu cũng nhìn nhận, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta chống dịch với tinh thần thích ứng linh hoạt để phát triển kinh tế. Theo ông Phu, các ca tử vong giảm, TP.HCM thì có ngày đầu tiên không có ca tử vong do Covid-19 sau nhiều tháng, nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo các phương án chủ động ứng phó dịch. Đặc biệt, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron hiện ghi nhận phần lớn là các ca nhẹ, nhưng khi số mắc tăng cao cũng làm gia tăng ca nặng, gia tăng các ca tử vong.

Về định hướng công tác điều trị thời gian tới, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng các địa phương cần tiếp tục xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch.

Chủ động ứng phó khi tăng ca nhiễm là trẻ em

Theo đánh giá của Bộ Y tế, với việc học sinh trở lại trường học, các địa phương đã thực hiện các yêu cầu chung để bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường như tiêm vắc xin; tập huấn các tình huống để xử trí khi xuất hiện ca nhiễm trong lớp học, trường học; có kinh nghiệm điều trị các ca mắc Covid-19 là trẻ em… Nhưng cũng cần lưu ý, trẻ em mắc Covid-19 ít diễn biến nặng nhưng vẫn có trường hợp tử vong. Do đó, công tác phòng chống dịch vẫn cần được thực hiện đầy đủ.

Tại cuộc họp mới đây về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, các chuyên gia điều trị của Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ mắc bệnh cùng lúc. Đáng chú ý, hiện nay các loại thuốc điều trị Covid-19 không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em. Do đó, khi 20 triệu học sinh đến trường, số trẻ mắc Covid-19 có thể tăng lên bởi thực tế trẻ em khó thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp 5K… Đồng thời, các ý kiến khuyến cáo về việc trẻ lây nhiễm từ trường học về gia đình, trong đó có thể lây cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin Covid-19 như người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi, phụ nữ mang thai..., và những đối tượng nguy cơ khác.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết Bộ Y tế đang phối hợp Bộ GD-ĐT hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường. Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc Covid-19 cho cơ sở y tế các tuyến, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc Covid-19 tăng đột biến, gây quá tải; rà soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca mắc Covid-19.

Về vấn đề này, qua thực tế điều trị tại bệnh viện và quá trình hỗ trợ các địa phương điều trị F0, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ mắc Covid-19 theo 2 tầng: tự chăm sóc, điều trị tại nhà; điều trị trong bệnh viện…

Theo thông báo trong các tuần gần đây của Bộ Y tế, các ca bệnh Covid-19 nặng đã giảm, tỷ lệ tử vong chung cả nước giảm (hiện ở mức 1,6%), tuy nhiên các lực lượng phòng chống dịch vẫn phải lường đến những tình huống xấu như có thể xuất hiện biến chủng mới lây nhanh hơn, độc lực mạnh hơn, thậm chí có những biến chủng có thể “lẩn tránh” vắc xin, thuốc điều trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.