UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.
100% mẫu rau đạt chuẩn an toàn
Mỗi ngày, người dân TP.HCM tiêu thụ khoảng 4.200 tấn rau củ quả. Trong số này, gần 30% là nguồn cung cấp tại chỗ, phần lớn còn lại phải nhập từ nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Hiện TP.HCM có nhiều vùng chuyên canh rau như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức với tổng diện tích hơn 6.000 ha, sản lượng khoảng 219.400 tấn/năm.
Kế hoạch mới được duyệt bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025 diện tích canh tác còn khoảng 3.000 ha (diện tích gieo trồng 15.280 ha), sản lượng ước đạt 446.000 tấn. Trong đó, diện tích rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 15 - 20% tổng diện tích; canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 540 - 600 ha, tỷ lệ 18 - 20%; sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng
10 - 15 ha. Giá trị sản xuất bình quân thu được trên 1 ha đất trồng rau đạt 700 - 750 triệu đồng/năm. Các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển 2 - 4 chuỗi giá trị ngành hàng rau để tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Trên 95% số mẫu rau sản xuất tại thành phố được thanh, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.
Giai đoạn 2, đến năm 2030 diện tích canh tác chỉ còn 2.500 ha (diện tích gieo trồng 12.900 ha), sản lượng ước đạt 387.000 tấn. Trong đó, tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 30 - 40% tổng diện tích gieo trồng; canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 - 1.250 ha, chiếm tỷ lệ 40 - 50% tổng diện tích sản xuất. Diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 15 - 20 ha. Giá trị sản xuất bình quân thu được trên 1 ha đất trồng rau đạt 800 - 850 triệu đồng/năm. Hỗ trợ xây dựng và phát triển 4 - 6 chuỗi giá trị ngành hàng rau tiêu thụ tại thành phố. Phấn đấu 100% số mẫu rau sản xuất tại thành phố được thanh, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.
Bên cạnh sản xuất rau phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, thành phố cũng tập trung phát triển lĩnh vực sản xuất và kinh doanh giống rau. Hằng năm chuyển giao 5 - 6 giống rau mới phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố. Cung cấp cho thị trường 850 - 950 tấn hạt giống rau các loại, đáp ứng cho 1,2 - 1,5 triệu ha gieo trồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM triển khai một số giải pháp như: Tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị. Đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Trong đó, thể hiện sự gắn kết theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Bên cạnh đó nghiên cứu, phát triển sản xuất giống. TP.HCM kêu gọi các hộ nông dân hình thành vùng sản xuất tập trung theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm. Thành phố sẽ dùng ngân sách hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện...
Rau thành phố gặp khó vì đất
Trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ hơn chục năm qua, ông Trần Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An (HTX Phước An) ở H.Bình Chánh (TP.HCM), cho biết: Thời gian gần đây, việc tiêu thụ các sản phẩm rau của HTX ở kênh siêu thị gặp nhiều khó khăn do sức mua yếu. Sản phẩm của HTX ngoài đạt tiêu chuẩn an toàn còn tốn thêm nhiều công đoạn sơ chế, bao gói nên giá thành tương đối cao so với rau thường. Trong khi đó, có siêu thị một ngày chỉ còn nhập vài chục ký rau. Để giải quyết đầu ra, HTX phải chuyển hướng sang các kênh trường học và bếp ăn tập thể để lấy số lượng.
"Hiện tại, nghề trồng rau hết sức bấp bênh khi doanh thu mỗi năm chỉ từ 400 - 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận còn lại chỉ 50% số này. Bà con ít đất nên sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập rất thấp. Trước đây, có nhà đầu tư muốn vào phát triển sản xuất quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhưng cuối cùng rút đi vì vướng chính sách. Theo quy định, đất sản xuất nông nghiệp không cho phép xây dựng kể cả nhà kho, nhà xưởng… thậm chí chòi để giữ đất. Đây là một trong những vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần quy hoạch các vùng chuyên canh, chính sách hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng kèm theo để người dân yên tâm sản xuất", ông Thích kiến nghị.
HTX Phước An sản xuất theo hình thức canh tác trên đất truyền thống còn HTX Tuấn Ngọc ở P.Long Trường (TP.Thủ Đức, TP.HCM) trồng rau bằng công nghệ cao, hoàn toàn bằng thủy canh nhưng cũng gặp khó khăn tương tự. Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc, chia sẻ: Việc kinh doanh của HTX đang rất thuận lợi. Bình quân 1 ha mỗi tháng tạo ra doanh thu lên đến 200 triệu đồng, tính ra doanh thu mỗi năm đến 1,4 tỉ đồng. Đối với thị trường TP.HCM, HTX đang có đơn hàng với nhiều kênh phân phối, đáng chú ý là hợp đồng 30 tấn/tháng đối với chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh.
"Bên cạnh đó, chúng tôi đang đi đến giai đoạn cuối của thỏa thuận xuất khẩu rau sang Hàn Quốc với sản lượng đến 10 tấn/tháng. Nếu "chốt giá" thành công, hoạt động kinh doanh của HTX sẽ phát triển rất thuận lợi. Tuy nhiên, khâu sản xuất thì gặp không ít khó khăn. Chúng tôi sản xuất 100% rau thủy canh, sử dụng công nghệ cao và cần phải có hệ thống nhà màng. Bắt buộc phải xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, bảo quản… Tuy nhiên, việc xây dựng lại bị vướng quy định về "cấm xây dựng trên đất nông nghiệp". Có thể, sắp tới chúng tôi phải chuyển cơ sở sản xuất về các địa phương khác", ông Tuấn nói.
Tiếp xúc thường xuyên với nhiều bà con nông dân, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng chi nhánh phía nam - Hội Làm vườn VN, nói: "TP.HCM là địa phương có dân số đông nhất cả nước, hơn 10 triệu người. Việc tự chủ một phần nguồn cung thực phẩm là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, với mức độ đô thị hóa cao, ngành nông nghiệp của thành phố không thể cạnh tranh được về giá với các địa phương khác. Đó chính là lý do vì sao thời gian gần đây nhiều HTX trồng rau ở Hóc Môn ngừng sản xuất. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp nói chung cũng như rau nói riêng cần tập trung vào công nghệ và chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường ở phân khúc cao. Để làm được điều này cần có chính sách nhất quán và đồng bộ từ khâu quy hoạch, đến cơ chế phát triển hạ tầng, chuỗi cung ứng, hỗ trợ vốn…".
Làm nông nghiệp truyền thống ít nhất cũng cần có cái nhà kho để bảo quản vật tư, trang thiết bị sản xuất. Nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao càng cần phải được cấp phép đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy trong quản lý và điều hành.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng chi nhánh phía nam - Hội Làm vườn VN
Bình luận (0)