Thông tin trên được ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC, chia sẻ tại họp báo kinh tế-xã hội chiều 11.7.
Cụ thể theo ông Tâm, ca bạch hầu gần nhất ghi nhận tại TP.HCM vào năm 2020, là một bệnh nhân ở tỉnh đến TP.HCM. Từ đó đến nay thành phố chưa ghi nhận thêm ca mắc bạch hầu nào như các thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.
HCDC bác bỏ thông tin xuất hiện ca bệnh bạch hầu tại TP.HCM
Ngoài ra, theo lãnh đạo HCDC, việc nắm bắt thông tin để phòng bệnh là tốt, tuy nhiên hiện người dân đang có tâm lý hoang mang về dịch bệnh bạch hầu.
"Vi khuẩn bạch hầu vừa gây nhiễm trùng, nhiễm độc lây lan nhanh và có thể gây tử vong. Tuy nhiên khác với các loại dịch bệnh khác, bạch hầu có vắc xin phòng bệnh và có thuốc đặc trị như huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, kháng sinh... Do đó nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi bệnh. Người dân có thể tìm hiểu kiến thức để phòng bệnh nhưng không nên hoang mang trước thông tin không chính xác về dịch bệnh này", ông Tâm cho hay.
Các triệu chứng nhận biết sớm bệnh bạch hầu cần chú ý như xuất hiện giả mạc, vùng họng đóng màng trắng, đau họng, ho sốt, khó thở, mệt mỏi, chán ăn... Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu là có thể gây bít tắc đường hô hấp do giả mạc, biến chứng suy tim, suy đa cơ quan...
HCDC khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ tiêm ngừa đầy đủ vắc xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm 3 mũi từ 2 tháng, mỗi mũi cách nhau 1 tháng và tiêm mũi nhắc lại vào 18 tháng. Với người lớn tiêm nhắc vắc xin bạch hầu sau 10 năm.
"Ngoài ra, cần giữ vệ sinh mũi họng, tay chân, nhà cửa. Loại vi khuẩn này cũng dễ chết trước ánh sáng mặt trời do đó cần giữ nhà cửa thông thoáng, đón nắng. Đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, khi tiếp xúc gần với người bệnh bạch hầu hoặc người có triệu chứng bệnh bạch hầu cần khai báo y tế để được hướng dẫn theo dõi, cách ly...", Giám đốc HCDC khuyến cáo.
Bình luận (0)