Giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Nai: Xả rác bừa bãi, lấn chiếm không gian di tích là vi phạm pháp luật

Đức Nguyễn
Đức Nguyễn
07/06/2021 15:11 GMT+7

Sau khi Thanh Niên có bài phản ánh Di tích lịch sử bị 'bao vây' bởi rác thải, hàng rong , ông Lê Kim Bằng - Giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Nai cho biết việc xả rác bừa bãi, lấn chiếm không gian di tích là vi phạm pháp luật.

Trả lời Thanh Niên sáng 7.6, ông Lê Kim Bằng - Giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Nai khẳng định việc xả rác bừa bãi, lấn chiếm không gian di tích làm nơi buôn bán là vi phạm pháp luật (cụ thể là luật Di sản). Cụ thể ông Bằng giải thích về trách nhiệm quản lý di tích lịch sử, danh thắng của các tổ chức, đơn vị được phân cấp theo Quyết định 39/2018 và Quyết định 1150/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai khi một số di tích lịch sử trên địa bàn TP.Biên Hòa có tình trạng bị "bao vây" bởi rác thải, buôn bán hàng rong.
"Một số di tích do cộng đồng dân cư quản lý thì trách nhiệm của họ chứ của ai. Ví dụ như di tích chùa Ông thì cộng đồng dân cư người Hoa họ quản lý. Trước tiên họ thấy xảy ra chuyện đó họ phải chịu trách nhiệm về di tích của họ. Chừng nào họ dùng biện pháp nọ, biện pháp kia mà không được, lúc đó họ phải có văn bản báo cáo lên thành phố, cơ quan chức năng sẽ can thiệp. Còn họ không báo gì hết thì ai biết", ông Bằng nói.
Theo ông Bằng, có những di tích do nhà nước quản lý như di tích lịch sử cách mạng (như văn miếu Trấn Biên, nhà lao Tân Hiệp…) và cũng có những di tích do cộng đồng dân cư quản lý (như chùa Ông, đình Tân Lân...). Quản lý nhà nước về di tích lịch sử ở đây theo ông Bằng là quản lý theo luật Di sản. Nghĩa là nhà nước công nhận giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đó chứ nhà nước không quốc hữu hóa nó, mà nó vẫn là tài sản của cộng đồng dân cư.
"Những đình chùa, miếu mạo thuộc tài sản của tư nhân thì Sở VH-TT-DL không nhảy vô quản lý được. Nhưng họ muốn trùng tu, tôn tạo, sửa chữa thì phải xin phép Sở. Sở sẽ xuống kiểm tra, hỗ trợ họ tu sửa làm sao vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống của di tích đó. Không để cho nó biến dạng và mất đi giá trị”, ông Bằng nói.

Đình Tân Lân - di tích lịch sử cấp quốc gia do Ban Quý tế thuộc Cộng đồng dân cư bầu ra trực tiếp quản lý

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Trách nhiệm của đơn vị và địa phương được phân cấp quản lý di tích

Giải thích với PV Thanh Niên, ông Lê Kim Bằng cho rằng những di tích sau khi được phân cấp theo Quyết định số 39/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai, thì trách nhiệm của đơn vị và địa phương được phân cấp phải kiểm tra, giám sát việc bảo vệ, quản lý di tích lịch sử.
Ngoài quyết định 39/2018, UBND tỉnh Đồng Nai còn ban hành Quyết định 1150/QĐ-UBND ngày 7.4.2021 về Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chủ sở hữu hợp pháp di tích có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, gìn giữ trực tiếp di tích, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di tích. Trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền.

Rác thải bên trong khuôn viên di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh

ẢNH: ĐỨC NGUYỄN

Như vậy theo ông Bằng, di tích nằm ở địa bàn huyện, thị nào thì UBND huyện, thị đó chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý. Trách nhiệm của Sở VH-TT-DL ở đây là hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, trùng tu, tôn tạo. Những gì thuộc về chuyên môn cần trao đổi thì các đơn vị, cá nhân sẽ có văn bản gửi Sở VH-TT-DL đề có hướng dẫn. "Thực ra việc phân cấp là đúng, chẳng có Sở nào quản lý được hết tất cả các di tích trên địa bàn. Nhiều di tích đã được phân cấp rồi thì làm sao mà đi kiểm tra hết được”, ông Bằng phân trần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.