Giảm gánh nợ cho quốc gia

21/10/2014 04:34 GMT+7

Nợ công VN chiếm bao nhiêu phần trăm GDP và con số thực như thế nào luôn là vấn đề tranh cãi. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ nợ công trên GDP của VN đã vượt ngưỡng an toàn rất xa, trong khi báo cáo của Chính phủ khẳng định vẫn trong giới hạn cho phép, không quá 65% GDP.

Theo báo cáo Chính phủ tại phiên họp QH hôm qua, dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3%; dư nợ Chính phủ 46,9%; dư nợ nước ngoài của quốc gia 39,9% GDP.

Cách tính nợ công của VN được cho là không theo thông lệ quốc tế khi đã loại nợ Chính phủ bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra ngoài. Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nợ DNNN hiện đang chiếm 51% GDP. Nếu cộng cả nợ công mà Chính phủ công bố cùng nợ DNNN do Chính phủ bảo lãnh, con số đã lên đến gần 115% GDP. Đó là chưa tính trong thời gian tới, nợ công sẽ nhanh chóng tăng lên vì VN cần phải vay nợ mới để trả nợ cũ (đảo nợ).

Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập nếu tính cả vay để đảo nợ thì tỷ lệ trả nợ từ ngân sách đã là 26,2% GDP, dự báo sẽ tăng lên 31,2% GDP vào 2015.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, từ số liệu kể trên, có thể thấy nền kinh tế VN đang không tạo ra đủ tiền để có thể trả lãi và vốn vay, dẫn đến phải đi vay để đảo nợ, nghĩa là tình hình rất nghiêm trọng. Ngân sách của VN được tạo ra từ thuế đất, khai thác tài nguyên…, nhưng đa số vẫn do DN đóng góp. Mà DN thì lại đang trong giai đoạn khó khăn nhất, làm ăn quá khó khăn thì lấy đâu có tiền đóng thuế để ngân sách có tiền trả nợ. Vì vậy, vấn đề trước mắt của VN trong xử lý nợ công dài hạn là tạo điều kiện để DN phục hồi và phát triển để có lãi đóng góp ngân sách.

Hậu quả của việc phải vay để trả nợ công hiện nay còn là kết quả của một quá trình không xem trọng sự phát triển của lực lượng DN tư nhân. Trong khi đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn nằm trong diện ưu đãi thuế, đất đai nên dù họ chiếm tới 68% kim ngạch xuất khẩu vẫn không đóng góp được bao nhiêu vào ngân sách, chưa kể nhiều DN khai lỗ triền miên.

TS Lê Đăng Doanh nhận định: Tốc độ tăng nợ công nhanh và số nợ trên đầu người so với GDP của VN cũng rất cao (đã hơn 20 triệu đồng/người, theo Đồng hồ nợ công thế giới), trong khi đầu tư của khu vực tư nhân sụt giảm thì nhà nước vẫn duy trì đầu tư cao để giữ tăng trưởng bằng vay nợ và phát hành trái phiếu. Tình hình nợ công càng nguy hiểm hơn vì VN không chỉ vay mới để trả nợ cũ mà còn vay để tiêu dùng. Đó là chính sách vay nợ không bền vững. Nếu vay cho mục đích đầu tư sẽ sản sinh ra sản phẩm mới để đóng góp vào GDP để từ đây có tiền thuế cho trả nợ. Nhưng nếu vay tiêu dùng thì các khoản vay đó sẽ mất đi. Do đó, cần phải có cuộc đại phẫu về ngân sách nhà nước bằng cách cắt giảm chi tiêu thường xuyên, để giảm gánh nợ cho quốc gia.

N.Trần Tâm

>> Mỗi người Việt gánh thêm 1,8 triệu đồng nợ công
>> 4 tháng tăng thêm 3 tỉ USD nợ công
>> Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nợ công nằm trong ngưỡng cho phép
>> Nỗi lo trả nợ công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.