Việc này là hết sức cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn, công cuộc cắt giảm phí, lệ phí nên được tiến hành ở khắp các bộ, ngành; trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Bởi như chúng ta đã biết, gánh nặng thuế phí đã được phản ánh rất nhiều lần, trong rất nhiều năm và đây chính là một trong những yếu tố khiến hàng nội ở phân khúc trên thì không cạnh tranh nổi với hàng hóa từ các nước phát triển; ở phân khúc dưới thì không "đấu" được với các mặt hàng đồng dạng của các nước trong khu vực dù họ phải tốn tiền vận chuyển, phải đóng thuế khi vào VN.
Điển hình cho gánh nặng phí là câu chuyện 1 con gà gánh tới 14 loại phí đã hun nóng Nghị trường Quốc hội cuối năm 2015. Phí đè lên "số phận con gà" từ khi mới nở một ngày tuổi xuất về trại nuôi đã phải chịu phí kiểm dịch gà con mới nở; phí cấp giấy kiểm dịch khi xuất gà con ra khỏi trại; giấy tiêu độc sát trùng cho xe vận chuyển gà con...
Đến khi con gà được đưa đi bán, người nuôi phải tiếp tục đóng các loại phí tương tự như phí kiểm dịch xuất gà ra khỏi nội tỉnh; phí tiêu độc sát trùng cho xe vận chuyển gà ngoại tỉnh; rồi phí bảo vệ môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý động vật chết, phí môi trường, phí chứng nhận trang trại an toàn dịch bệnh... Phí nhiều đến nỗi, ngay cả người nuôi cũng không thể nhớ hết một con gà phải cõng bao nhiêu loại phí.
Con gà tội nghiệp bị phí đè nhưng đằng sau nó chính là số phận của hàng triệu nông dân, những người trực tiếp sản xuất ra các nông sản xuất khẩu đi khắp thế giới nhưng hầu hết vẫn luôn khốn khó. Kinh khủng hơn, theo rà soát của Bộ Tài chính thời điểm cách đây 1 năm, chỉ với riêng nông nghiệp, dù đã bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí.
Sau khi được đưa lên Nghị trường, Bộ Tài chính sau đó đã “cởi trói” 14 loại lệ phí cho gà cùng 21 loại phí ở nhiều khâu cho thú y. Nhưng câu hỏi đặt ra là, vậy hơn 1 năm qua, có bao nhiêu loại phí, lệ phí đã được bãi bỏ? Hiện còn bao nhiều loại phí, lệ phí? Năm qua chỗ này chỗ kia có phát sinh thêm loại phí nào nữa không?
Nhưng bãi bỏ các loại phí, lệ phí vô lý; phí chồng phí thôi chưa đủ. Các bộ, ban, ngành, địa phương còn phải làm một cuộc cách mạng về bãi bỏ các loại phí không chính thức, hay còn gọi là phí bôi trơn, phí gầm bàn, phí lót tay... Theo báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh VN: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và đối tác công bố sáng 9.11, có tới 42,7% DN cho biết vẫn phải chi cho các khoản “bôi trơn” và 40% DN nói sẽ phải tăng khoản chi này lên trong thời gian tới. Dẫn ra như vậy để thấy, gánh nặng phí không chính thức không chỉ đè nặng vai DN, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt mà nó còn làm xấu hình ảnh môi trường đầu tư của VN trong mắt các nhà đầu tư ngoại.
Vì vậy, cắt - giảm- bãi bỏ các loại phí, lệ phí chính thức và không chính thức cần được thực hiện công khai, quyết liệt, đồng loạt trên diện rộng.
Bình luận (0)