Giám sát chặt 'sân sau', sở hữu chéo

Anh Vũ
Anh Vũ
08/06/2022 04:18 GMT+7

Báo cáo giải trình với Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, việc thao túng chứng khoán vừa qua rất tinh vi, điển hình là vụ FLC và Louis.

Còn Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng (NH) đã cơ bản xử lý, nguy cơ lũng đoạn đã được kiểm soát.

Đánh giá của 2 bộ, ngành điều hành 2 lĩnh vực nóng nhất của nền kinh tế là tài chính - NH, theo nhiều đại biểu Quốc hội (QH) và dưới góc nhìn của các chuyên gia, có lẽ vẫn còn nhiều điều phải nhìn lại. Đặc biệt là trách nhiệm trong kiểm tra, thanh tra và giám sát. Tại FLC, đây không phải là lần đầu tiên cựu Chủ tịch tập đoàn Trịnh Văn Quyết bán chui. Trước đó, FLC và cá nhân ông Quyết đã bị xử phạt vì các tội che giấu thông tin, bán chui rất nhiều lần. Hành vi đó có tinh vi không khi cả xã hội thấy, tại sao cơ quan quản lý lại không thấy, như lời một vị đại biểu nói trước QH!

Tại Tân Hoàng Minh, tập đoàn này “đẻ” ra 4 pháp nhân thua lỗ, vốn mỏng nhưng vẫn phát hành các lô trái phiếu lên tới 10.500 tỉ đồng. Vụ việc này có dấu hiệu của hành vi che giấu thông tin, lừa đảo nhà đầu tư, nhưng nếu không có sự buông lỏng kiểm tra, giám sát và có “bà đỡ” là các NH, công ty chứng khoán đứng ra tư vấn, làm đại lý quản lý tài sản… thì liệu nhà đầu tư có dễ dàng xuống tiền để bây giờ họ phải chịu thiệt hại lớn?

Hai vụ việc trên, có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng khi Bộ Tài chính báo cáo có tới 138 doanh nghiệp “có vấn đề” khi phát hành trái phiếu (thua lỗ, phát hành vượt vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần…). Song, rủi ro tiềm ẩn, nguy cơ lớn nhất nằm ở mô hình, hệ sinh thái khép kín giữa tập đoàn bất động sản (BĐS) - NH - chứng khoán hiện nay.

Nhìn từ các vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ BĐS vừa qua, mẫu số chung là các công ty chứng khoán đứng ra tư vấn, NH làm đại lý quản lý tài sản đảm bảo. Thậm chí, một số trường hợp công ty chứng khoán, NH đứng ra trực tiếp mua trái phiếu rồi phân phối lại.

Mối quan hệ cộng sinh, khép kín đó có minh bạch không; quan hệ sở hữu với nhau như thế nào và việc phát hành trái phiếu có đúng quy định cần phải được làm rõ. Còn thực tế hiện nay, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy phía sau các NH, công ty chứng khoán đều có “bóng dáng” của ông chủ các tập đoàn BĐS.

Sâu xa hơn, phía sau nó chính là sự mất cân đối giữa thị trường vốn và tín dụng trong nhiều năm. Bên cạnh đó là chính sách thiếu tầm nhìn, thiếu sự điều tiết nhịp nhàng khiến thị trường vốn phát triển ì ạch trong nhiều năm, khi bùng nổ lại hỗn loạn, xảy ra hàng loạt vụ việc sai phạm.

Sở hữu chéo cổ phần là điển hình của các tập đoàn trên thế giới, nhất là mô hình “chaebol Hàn Quốc”. Các công ty con của chaebol từ NH, chứng khoán, BĐS quan hệ với nhau chằng chịt… như ma trận, lũng đoạn nền tài chính, khiến Chính phủ Hàn Quốc đã phải mạnh tay siết lại.

Nếu chúng ta không sớm đưa ra các quy định về minh bạch cổ đông, sở hữu cổ phần, giám sát chặt các tập đoàn hoạt động theo mô hình này, một khi đổ vỡ sẽ để lại hậu quả rất khó lường cho nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.