Giám sát kinh phí đổi mới chương trình, SGK phổ thông

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/09/2022 06:08 GMT+7

Hôm qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch giám sát thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp

Gia Hân

Theo đó, đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và SGK ở các phương diện: việc thiết kế, xây dựng chương trình; việc đáp ứng nội dung đổi mới; đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh…); biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, phát hành, lựa chọn SGK giáo dục phổ thông…

Đoàn giám sát cũng sẽ tập trung đánh giá các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình (đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học). Cùng với đó là đánh giá nguồn kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; việc sử dụng ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa và hiệu quả sử dụng kinh phí…

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, nội dung giám sát phân biệt rõ việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc triển khai chương trình theo các nghị quyết của Quốc hội. Việc triển khai chương trình có nhiều vấn đề khác nhau, ngoài SGK còn là giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, kể cả kinh phí thực hiện… “Kinh phí cho chương trình này có đảm bảo và có sử dụng hiệu quả hay không? Ví dụ kinh phí vay để xây dựng bộ SGK của Bộ GD-ĐT nhưng cuối cùng không thực hiện được, phải trả lại. Đánh giá việc này thế nào cũng phải xem xét”, ông Vinh nêu.

Theo kế hoạch, đối tượng của cuộc giám sát gồm Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ VH-TT-DL, Bộ LĐ-TB-XH, chính quyền 63 tỉnh, thành và các đơn vị liên quan như các trường phổ thông, các nhà xuất bản...

Đề xuất nhiều chính sách đặc thù cho TP.Buôn Ma Thuột

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất 5 chính sách đặc thù cho TP.Buôn Ma Thuột, trong đó có tăng mức dư nợ vay, định mức phân bổ chi thường xuyên để đầu tư phát triển TP.Buôn Ma Thuột; ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư thuộc một số ngành nghề ưu tiên; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP.Buôn Ma Thuột; ưu đãi cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại TP.

Tại phiên họp, cơ quan thẩm tra và thành viên UBTVQH đồng ý với hầu hết các đề xuất, song đề nghị cân nhắc tính khả thi của chính sách ưu đãi cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Ngoài ra, UBTVQH cũng cho rằng các chính sách đề xuất cho TP.Buôn Ma Thuột rập khuôn, và còn quá ít; đề nghị Đắk Lắk và Chính phủ nghiên cứu đề xuất thêm. UBTVQH đã biểu quyết nhất trí bổ sung dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp 4 (tháng 10.2022).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.