Chiều 2.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật BHXH (sửa đổi). Luật này do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì soạn thảo.
Lo ngại xu hướng "nghèo hóa" vì lương hưu sẽ rất thấp
Nội dung nhận được quan tâm của nhiều đại biểu là dự thảo quy định điều kiện hưởng lương hưu là có thời gian đóng BHXH tối thiểu 15 năm, thay vì 20 năm như luật hiện hành.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) hoàn toàn nhất trí với đề xuất của ban soạn thảo, nhưng vẫn còn đôi điều trăn trở.
Theo ông Sơn, mức lương hưu phụ thuộc vào thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH. Do đó, việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH đồng nghĩa sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp; trong đó, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%, tương đương hơn 2 triệu đồng.
Thêm vào đó, dự thảo luật còn bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hóa" của một bộ phận người dân trong tương lai.
Từ những phân tích đã nêu, vị đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị ban soạn thảo xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ nhằm hỗ trợ những người có tiền lương hưu quá thấp; ví dụ mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.
"Không để phụ nữ Việt Nam rơi vào cảnh nghèo đói vì có con"
Vẫn theo dự thảo, đối với trường hợp đóng BHXH tự nguyện và đóng đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, lao động nữ khi sinh con hoặc lao động nam có vợ sinh con được hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng cho một con mới sinh.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH và đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đánh giá mức hỗ trợ như trên là rất thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản. Ông Khải nói, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần, tính ra mức hỗ trợ chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Vị đại biểu đề xuất nâng mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện là 1,5 triệu đồng/tháng, bằng với mức chuẩn nghèo nông thôn, thời gian hỗ trợ là 14 tuần.
Mức chi như trên sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng; tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. "Mục tiêu của trợ cấp gia đình, trợ cấp trẻ em là góp phần đảm bảo không một phụ nữ Việt Nam nào bị rơi vào tình trạng nghèo vì sinh con", ông Khải nói.
Cùng chung nhận định, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho rằng, mức hưởng chính sách 2 triệu đồng là thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Ông đề nghị tăng lên gấp đôi là 4 triệu đồng. Trường hợp cả mẹ và cha đều tham gia BHXH và đủ điều kiện thì mức hưởng là 6 triệu đồng.
Giải thích cho đề xuất của mình, ông Nghĩa nói, dựa trên cơ sở có đóng thì có hưởng. Trong đó, người thứ nhất sẽ được hưởng đầy đủ chế độ, người thứ hai hưởng một nửa vì ngân sách còn hạn chế.
Dù vậy, ông Nghĩa cũng đề nghị ban soạn thảo đánh giá tác động của chính sách đối với ngân sách, đảm bảo theo từng mức hưởng, để xác định mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.
Bình luận (0)