Không rõ trên thế giới còn bao nhiêu nước CSGT ra giữa đường yêu cầu dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm tra như ở Việt Nam, nhưng rõ ràng cách làm này rất cần được xem xét, bởi không ít lần đã phản tác dụng, gây họa cho chính CSGT và người điều khiển phương tiện.
Thỉnh thoảng, báo chí lại đăng tin CSGT bị hất văng lên nắp ca pô, bị kéo lê hàng chục mét... hay người điều khiển phương tiện bị té, chấn thương vì né CSGT hoặc “đập mặt vào gậy” khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe. Mới đây, khi kiểm tra phương tiện trên đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, TP.HCM), một trung tá CSGT trạm Đa Phước bị nam thanh niên tông vào người dẫn đến đa chấn thương.
Mỗi thông tin về tai nạn trong quá trình kiểm tra đều khiến người dân bức xúc, cho dù nó xuất phát từ người vi phạm hay lực lượng thực thi công vụ. Và qua những vụ tai nạn giao thông đau lòng như vậy, người dân kỳ vọng vào sự thay đổi mang tính căn bản trong công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhưng sự chờ đợi đó đã kéo dài cả chục năm qua. Nếu cách kiểm tra tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả 2 phía, ngành công an cần nghiên cứu phương pháp mới cho phù hợp để giảm thiểu rủi ro.
Cũng cần nói thêm, kể từ khi CSGT áp dụng biện pháp “phạt nguội”, người dân đã quen dần với việc nhận giấy yêu cầu nộp phạt vì lỗi đậu xe không đúng chỗ, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ... Cách xử lý này bước đầu đã phát huy hiệu quả, tài xế hoặc chủ phương tiện cũng “tâm phục, khẩu phục” trước những bằng chứng kèm theo. Nó thể hiện sự văn minh ở một xã hội hiện đại với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Và quan trọng hơn, nó không gây nguy hiểm cho cả tài xế và lực lượng thực thi công vụ.
Số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn còn cao, nên các vi phạm trong lĩnh vực này cần được xử lý nghiêm để mang lại bình yên cho cộng đồng. Nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu không có ai bị thương hoặc thiệt mạng trong quá trình xử lý vi phạm đó.
Bình luận (0)