Cụ thể, ngày 20.9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tăng cường đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học mới năm 2021 - 2022 hiệu quả, chất lượng Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể cho Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội, Đài truyền hình Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố…
Trong đó, Bộ GD-ĐT cần rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định những nội dung cốt lõi của chương trình, hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội. Chú trọng đảm bảo công bằng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có dịch và không có dịch. Đặc biệt lưu ý đối tượng là học sinh nghèo trong vùng dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp Công nghiệp ICT tổ chức chương trình hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ giá cước cho học sinh, sinh viên vùng khó khăn…
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập phục vụ học trực tuyến.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã, đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố… ưu tiên thời lượng và khung giờ phát sóng bài giảng để học sinh, sinh viên các cấp có thể được học tập đầy đủ các môn học theo chương trình giáo dục, đào tạo. Phối hợp Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch phát sóng các bài giảng qua đài phát thanh, truyền hình…
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo các tổ chức thành viên kêu gọi quyên góp, ủng hộ và huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn trang thiết bị phục vụ học tập.
Còn UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát danh sách học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ… Chỉ đạo các trường xây dựng bài giảng để phát sóng trên các kênh truyền hình, đặc biệt là với lớp 1, lớp 2.
Phối hợp với các kênh truyền thông để có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giangr đảm bảo một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát sóng bài giảng truyền hình trong một ngày.
Tăng cường công tác giám sát y tế trường học, không để dịch bệnh lây lan. Đối với địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày cần chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học; có phương án đặc cách kết thúc năm học, thi cuối cấp, tuyển sinh nếu cần thiết…
Bình luận (0)