Gian lận nhập khẩu thép gia tăng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/11/2020 06:13 GMT+7

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, thời gian qua, qua đấu tranh chống gian lận thương mại, cơ quan hải quan phát hiện một số dấu hiệu gian lận thường gặp tập trung khai báo hàng thép nhập...

Khai sai tên hàng, chủng loại, mã hàng nhập khẩu sắt thép nhằm gian lận thuế nhập khẩu, thuế tự vệ, chống bán phá giá... là một số hành vi vừa được Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cảnh báo đến hải quan các địa phương.

“Né” thuế chống bán phá giá hơn 38%

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, thời gian qua, qua đấu tranh chống gian lận thương mại, cơ quan hải quan phát hiện một số dấu hiệu gian lận thường gặp tập trung khai báo hàng thép nhập (nhóm 7208 và 7210), cố ý đưa vào mã hàng có mức thuế thấp từ 0 - 5% theo biểu thuế ưu đãi, trong khi sản phẩm đúng mã HS có thuế suất nhập khẩu 10%.
Thứ hai là không khai đúng vào các dòng mã số HS có thuế suất nhập khẩu cao hơn nhằm tránh nhóm mã số 7207 phải chịu thuế tự vệ 15,3%, hoặc các mã HS cùng thuộc nhóm 7210 nhưng phải chịu thuế chống bán phá giá từ 3,17 - 38,34%. Thứ ba là khai hàng nhập loại 2 để tính trị giá thấp, trốn thuế chống bán phá giá trong khi trên mác thép, hồ sơ hải quan không thể hiện là hàng loại 2.
Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng cảnh báo có tình trạng nhập khẩu hàng “tận dụng từ nước ngoài, đa chủng loại kích cỡ, đóng trong container” kiểu như sắt, thép phế liệu nhưng lại khai hàng mới 100% nhằm tránh bị quản lý chính sách mặt hàng đối với sắt, thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Từ những dấu hiệu gian lận nói trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan địa phương phải rà soát các lô hàng có dấu hiệu rủi ro để lựa chọn chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa, thực hiện tham vấn giá đối với các lô hàng khai báo là hàng loại 2… Cảnh báo của cơ quan hải quan không nêu cụ thể thép nhập có dấu hiệu gian lận thuế xuất xứ từ quốc gia nào. Tuy nhiên, liên quan đến mặt hàng thép nhập khẩu bị áp thuế chống bán phá giá, ngày 24.11.2019 Bộ Công thương ban hành Quyết định 3189 áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc...
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng những mặt hàng thép nhập khẩu được cơ quan hải quan cảnh báo về gian lận thuế nhập khẩu, né thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá... có thể liên quan mặt hàng thép không gỉ từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá, sản lượng thép không gỉ nhập từ các quốc gia này không có dấu hiệu tăng đột biến. Thế nên, ông Đa nói: “Trước cảnh báo của ngành hải quan, chắc chắn hiệp hội sẽ có động thái rà soát, đánh giá tình hình để trao đổi thông tin với các cơ quan chính xác hơn và nếu cần sẽ có kiến nghị nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận trong thương mại, bảo đảm cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước”.

Tăng hình phạt với hành vi gian lận thuế

Theo số liệu của VSA, nhập khẩu thép vào Việt Nam trong tháng 9 đạt hơn 1 triệu tấn với kim ngạch 629 triệu USD, giảm 15,29% về lượng và 3,65% về trị giá so với tháng trước. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, nhập khẩu thép đạt 10,36 triệu tấn với trị giá trên 6,05 tỉ USD, giảm 4% về lượng và 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 2,83 triệu tấn, với trị giá gần 1,77 tỉ USD, chiếm 27% tổng lượng thép nhập khẩu và 29% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Kế đó là Nhật Bản (chiếm 19%), Hàn Quốc (15,4%), Đài Loan (12%)...
Ông Đa cho rằng, năng lực sản xuất của DN Việt trong ngành thép đã được cải thiện rất tốt trong vài năm trở lại đây, đặc biệt nhiều mặt hàng sản xuất trước đây DN Việt chỉ tham gia vào công đoạn cuối, nay đã tham gia từ đầu có giá trị gia tăng cao hơn, sức cạnh tranh theo đó cũng tốt hơn. Tuy nhiên, để bảo vệ được thành quả mà ngành đạt được, DN trong và ngoài nước, DN sản xuất và làm thương mại cần có sự cạnh tranh sòng phẳng mới bền vững được. “Nếu hàng nhập vào Việt Nam lẽ ra bị áp thuế chống bán phá giá mà DN lại lách được, hoặc chuyển đổi từ thị trường này sang thị trường khác để lách thuế thì thiệt hại với ngành thép Việt rất lớn”, ông Đa nhận định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các công ty từ Trung Quốc, nhất là các công ty đang sản xuất sản phẩm thép bị áp thuế chống bán phá giá tại nhiều quốc gia, sẽ có nhiều chiêu né thuế mà vẫn đưa được hàng hóa vào Việt Nam một cách thuận lợi. Chẳng hạn như lập công ty sang các nước chưa bị trừng phạt thuế, nhập khẩu ngược trở lại Việt Nam, hoặc chuyển tải bất hợp pháp, làm giả xuất xứ...
“Đã có dấu hiệu trốn thuế chống bán phá giá, khai gian thuế nhập khẩu rồi... nên cần áp dụng một số hình phạt có thể gia tăng, như cấm nhập khẩu, trừng phạt rút giấy phép, tự quyết điều tra phòng vệ thương mại... để bảo vệ được sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, nhập phế liệu sắt thép lại khai báo thép mới để hưởng lợi cũng cần phạt thật nặng”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.