Tại Ấn Độ, trước áp lực phải thi đỗ ĐH để đảm bảo tương lai, thí sinh (TS) đã có nhiều cách gian lận khác nhau, từ cổ điển như dùng phao thi, quay cóp, đến hiện đại như máy ảnh, máy ghi, phát công nghệ cao ngày càng phổ biến. Học sinh (HS) gia đình có điều kiện kinh tế có thể tìm kiếm những công cụ như camera giấu trong cà vạt, bút và áo ngực có tích hợp công nghệ truyền dẫn dữ liệu. Tại một số địa phương nghèo, phụ huynh còn ngang nhiên trèo rào để ném phao thi. Trước tình trạng này, Ấn Độ đã điều lực lượng cảnh sát tham gia giám sát tại các điểm thi để ngăn gian lận.
Tại Trung Quốc, hằng năm có hàng chục triệu TS thi ĐH nên đã huy động cả lực lượng cảnh sát đặc nhiệm bảo vệ kỳ thi. Việc cảnh sát bảo vệ thi và chống gian lận không giống nhau trong cả nước. Tại Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, lực lượng cảnh sát hỗ trợ các trường lắp đặt camera trong các phòng thi và thiết lập một đội ngũ kỹ thuật viên để theo dõi các tín hiệu vô tuyến bên ngoài điểm thi nhằm nắm bắt nhanh chóng các hành vi gian lận. Tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, lực lượng cảnh sát hỗ trợ cơ quan giáo dục một vài máy bay không người lái có gắn radar quan sát trong bán kính 1 km để phát hiện chính xác các địa điểm phát ra tín hiệu vô tuyến, nếu có TS dùng thiết bị để gian lận. Tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, bố trí một địa điểm thi có 8 cảnh sát đứng gác, không cho phụ huynh đến gần hoặc nhanh chóng phát hiện những máy móc công nghệ cao được phụ huynh sử dụng hỗ trợ con em.
Tại Iraq, chính phủ quyết định cắt internet trên cả nước trong vài giờ, đồng thời cấm sử dụng điện thoại di động trong phòng thi. Tuy nhiên, việc cắt mạng internet lại ảnh hưởng đến các cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước.
Còn tại Mỹ, sau một vài vụ gian lận thi cử nghiêm trọng liên quan đến các du HS nước ngoài, nhiều chiến dịch chống gian lận thi cử đã được thực hiện một cách thành công, trong đó đáng chú ý là vụ bắt giữ 21 đối tượng tham gia đường dây gian lận, giúp hàng ngàn du HS kéo dài thời gian học và được ở lại nước này. Theo khảo sát của Viện Khảo thí giáo dục Mỹ (ETS), tỷ lệ HS từng thực hiện hành vi gian lận trong thi cử hiện nay khoảng 75%, trong khi cách đây hơn nửa thế kỷ, con số này chỉ khoảng 20%. Tình trạng gian lận trong thi cử không chỉ có ở HS kém mà lan sang cả HS có trình độ khá, thậm chí giỏi.
Tại Hàn Quốc, dù có lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong phòng thi nhưng các TS vẫn bằng cách nào đó mang điện thoại vào phòng thi, gửi tin nhắn đề thi ra ngoài. Bên ngoài, các máy giải sẽ giải nhanh các câu hỏi này, gửi cho một nhóm trợ thủ để nhóm này tiếp tục gửi tin nhắn cho các TS.
Bình luận (0)