|
Theo thông tư 22 (TT 22) của Bộ KH-CN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, có hiệu lực kể từ ngày 1.6, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%... Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%; vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức...
|
Gian lận tuổi, độn tạp chất...
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng VN, TT22 sẽ giúp thiết lập sự minh bạch trên thị trường vàng. “Các công ty lớn rất muốn điều này vì thực tế thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) thay vì cạnh tranh bằng phí gia công, mẫu mã thì lại giảm tuổi vàng”, ông Long nói.
Thực tế, hiện giá gia công trong 1 sản phẩm nữ trang được nhiều DN tính rất thấp, bởi chủ yếu họ “ăn” nhờ nhập nhèm tuổi vàng. Chẳng hạn, 1 sản phẩm nữ trang có trọng lượng 1 chỉ vàng dù phải qua 12 quy trình và hao hụt vàng nhưng giá gia công chỉ được báo là 50.000 đồng để hấp dẫn người tiêu dùng. Bù vào đó, nhà kinh doanh đặt nhà sản xuất làm vàng 70% nhưng ghi trên sản phẩm là 75% và mức gian lận 5 lai này đã ở khoảng 175.000 đồng/sản phẩm.
Thậm chí, theo một người lâu năm trong ngành nữ trang, một chiếc lắc tay có giá gia công 250.000 đồng nhưng một DN chỉ tính 100.000 đồng nhằm dụ người tiêu dùng ham rẻ và khi kiểm định chất lượng vàng thì hầu hết các sản phẩm kiểu này dù ghi hàm lượng vàng 75% song kết quả chỉ là 68%. “Điều này lý giải cho tình trạng mua đâu bán đó trên thị trường vàng nữ trang vì các nhà kinh doanh không tin tưởng chất lượng của nhau. Giới kinh doanh vàng kiếm lời từ việc chênh lệch giá mua và bán, giá gia công sản phẩm nhưng để cạnh tranh lẫn nhau, họ hạ giá gia công ở mức rất thấp, bù lại là giảm tuổi vàng”, vị này nói.
Ngoài gian lận tuổi vàng, thời gian qua còn xuất hiện tình trạng nữ trang rỗng ruột bị độn tạp chất lạ; dùng vẩy hàn có hàm lượng thấp ở các mối hàn sản phẩm để giảm chất lượng vàng...
Giới kinh doanh lo lắng
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều DN, cơ sở kinh doanh vàng nữ trang đang rất lo lắng vì chỉ hơn 1 tháng nữa là TT22 có hiệu lực trong khi thị trường còn hàng triệu sản phẩm nữ trang vàng sản xuất từ trước chưa tiêu thụ hết. Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội kim hoàn mỹ nghệ TP.HCM, nhận định: “Hàng triệu sản phẩm của các DN hiện nay sẽ không thể nào đáp ứng được những quy định trong TT22. Chẳng hạn, trước đây DN sản xuất và kinh doanh tự công bố chất lượng sản phẩm, đưa ra mức sai số là 1 - 3% trong khi TT22 quy định sai số ở mức 0,1% - 0,3%. Vì vậy, cần có hướng dẫn giải pháp đối với số sản phẩm đang tồn kho hiện nay vì nếu phải nấu nữ trang để sản xuất lại sản phẩm khác thì rất tốn kém, thiệt hại cho DN”.
Trưởng phòng kinh doanh một DN kinh doanh vàng cho biết, trong một vòng cưới đeo cổ bằng vàng 99,99% thì phần khóa vòng chắc chắn dùng vàng 96% hay 97% để cứng và chắc hơn. “Hiện các DN đang lo lắng và bối rối vì không biết phải xử lý những sản phẩm này như thế nào. Bán rẻ các sản phẩm này thì cũng khó có người mua”, vị trường phòng này nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, một số DN trong Hội đã đề nghị hoãn thời gian thực hiện TT22 sang năm 2015 để các DN tiêu thụ hết số sản phẩm còn tồn đọng. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng TT22 sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, bảo vệ người tiêu dùng nên đề nghị “vẫn áp dụng kể từ ngày 1.6”, nhưng cần có thêm những quy định hướng dẫn việc xử lý những sản phẩm tồn kho để sau ngày 1.6.
Những lưu ý khi chọn nữ trang vàng TT22 quy định nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm bằng cách khắc cơ học, khắc la-de, đục chìm, đúc chìm, đúc nổi hoặc bằng phương pháp thích hợp (nếu kích thước và cấu trúc sản phẩm đủ để thực hiện) hoặc thể hiện trên tài liệu đính kèm. Độ tinh khiết hay hàm lượng vàng phải được ghi rõ tại vị trí dễ thấy trên sản phẩm bằng số Ả Rập chỉ số phần vàng trên một nghìn (1000) phần khối lượng của sản phẩm (ví dụ: 999 hoặc 916...) hoặc bằng số Ả Rập thể hiện chỉ số Kara kèm theo chữ cái K (ví dụ: 24K hoặc 22K). Trường hợp sản phẩm có kích thước không thể thể hiện trực tiếp được thì hàm lượng vàng công bố phải được ghi trên nhãn đính kèm. Sản phẩm có từ 2 thành phần trở lên với hàm lượng vàng khác nhau, có thể nhận biết sự khác nhau qua ngoại quan thì việc ghi hàm lượng vàng được thể hiện trên phần có hàm lượng vàng thấp hơn. Đối với vàng trang sức, mỹ nghệ nhập khẩu, ngoài nhãn gốc ghi bằng tiếng nước ngoài, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và xuất xứ hàng hóa. Nhãn in đính kèm với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ phải bao gồm các nội dung sau: tên hàng hóa; tên, mã ký hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất; hàm lượng vàng (tuổi vàng); khối lượng vàng và khối lượng của vật gắn trên vàng trang sức, mỹ nghệ; ký hiệu của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ. Cách thức ghi nhãn trực tiếp trên vàng trang sức, mỹ nghệ (nếu kích thước sản phẩm phù hợp): mã ký hiệu sản phẩm; hàm lượng vàng (tuổi vàng); ký hiệu của sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ. Cũng theo TT22, việc thử nghiệm vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ định. Người tiêu dùng có thể mang sản phẩm đến đơn vị được chỉ định này để thực hiện kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm có thể báo công an, quản lý thị trường... Người vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Thanh Xuân
>> Chấn chỉnh thị trường vàng nữ trang, mỹ nghệ
>> Doanh nghiệp vàng nữ trang gặp khó
>> Kinh nghiệm mua vàng nữ trang
>> Sàn vàng và vàng nữ trang là lối thoát cho thị trường vàng
Bình luận (0)