Nhiều mùa tết gần đây, lịch diễn của các sân khấu dày đặc tuồng hồ quảng, kéo dài từ mùng 1 tới hơn mùng 10; còn tuồng Việt không chen vô được hôm nào, hoặc chỉ lai rai 1 - 2 đêm.
Và trong suốt năm, tuồng hồ quảng vẫn sản xuất nhiều hơn, có đến mấy đơn vị như Huỳnh Long, Minh Tơ, Chí Linh - Vân Hà, Lê Nguyễn Trường Giang cứ vài tháng ra một tuồng, hoặc xen kẽ nhau tháng nào cũng có suất diễn. Trong khi tuồng Việt chỉ có Nhà hát Trần Hữu Trang và sân khấu Đại Việt của ông bầu Hoàng Song Việt dựng, mà mỗi năm cũng chỉ đủ tiền làm 2 vở/đơn vị, thậm chí chỉ 1 vở. Sự chênh lệch quá rõ như vậy khiến nhiều người băn khoăn. Nếu cải lương chỉ có từng ấy thì lớp khán giả trẻ sẽ nhận thức về cải lương khác đi, và cải lương truyền thống sẽ bị mai một.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, nói: "Nhà nước luôn định hướng và khuyến khích cải lương truyền thống, hoặc khuyến khích các đơn vị hồ quảng trở lại với tuồng cổ, nghĩa là bớt tích Tàu, bớt sử dụng trình thức, âm nhạc, vũ đạo hồ quảng. NSND Thanh Tòng đã có công cải tiến hồ quảng thành tuồng cổ, mà bây giờ chúng ta làm ngược lại thì kỳ quá. Tại sao cứ ca ngợi hoài những tấm gương trung nghĩa xa xôi ở nước khác, trong khi nước ta cũng không thiếu những danh nhân, danh tướng đáng ca ngợi? Và khi viết, khi dựng về danh nhân nước mình thì đương nhiên khó mà "bỏ" hồ quảng vô được vì không phù hợp, vậy chắc chắn phải trở về với cải lương truyền thống".
CẦN "BÀ ĐỠ" CHO NHỮNG KỊCH BẢN HAY
Hai vở cải lương mới đây đã chứng minh được điều ông Giàu nói. Khúc tráng ca thành Gia Định (Nhà hát Trần Hữu Trang sản xuất) và Sấm vang dòng Như Nguyệt (nhóm Chí Linh - Vân Hà sản xuất) một của đơn vị công lập, một của đơn vị xã hội hóa, đều là những nỗ lực làm cải lương truyền thống rất đáng ghi nhận.
Khúc tráng ca thành Gia Định được nhà nước cấp kinh phí nên tương đối "dễ thở". Cái khó là phải có "con mắt xanh" nhìn ra và nâng đỡ, hỗ trợ khi tác giả "thai nghén" kịch bản, thì "đứa con" mới ra đời được. Tác giả Phạm Văn Đằng kể: "Tôi rất yêu môn sử. Khi đọc lịch sử Sài Gòn - Gia Định, tôi thấy trận đánh sông Lòng Tàu hay quá, và tướng Võ Duy Ninh cũng cần được vinh danh. Tôi bèn trình bày với lãnh đạo Nhà hát Trần Hữu Trang, rồi trình bày với chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM. Chị Thúy nhiệt tình bảo tôi viết, còn tìm thêm tư liệu giúp tôi, góp ý kiến cho kịch bản hoàn thiện nữa. Kịch bản được đưa vào kế hoạch của nhà hát và nhanh chóng dàn dựng".
Vở Sấm vang dòng Như Nguyệt là nỗ lực của NSƯT Chí Linh khi ông đang rất mạnh về cải lương tuồng cổ, cải lương hồ quảng, nay chuyển sang cải lương truyền thống. Ông nói: "Khó khăn nhiều lắm. Đầu tiên là kịch bản, không dễ tìm được kịch bản mới, kịch bản hay". Ông cho biết tác giả Yến Ngân là kế toán của một công ty nhưng cô rất mê cải lương, tham gia các câu lạc bộ, rồi cùng tìm hiểu bài bản, viết những trích đoạn ngắn cho anh em diễn chơi. Rồi cô gửi thử kịch bản dài, Chí Linh thấy tiết tấu ổn, có kịch tính nên ông lập tức triển khai. Tất nhiên ông là đạo diễn kỳ cựu nên có những góp ý, chỉnh sửa, hỗ trợ cho kịch bản hoàn thiện, nhưng ông hoan nghênh những cây viết trẻ đã giúp cải lương có tác phẩm mới.
Nhuận bút cho tác giả Phạm Văn Đằng với vở Khúc tráng ca thành Gia Định được biết ở mức khá thỏa đáng, bởi đó là kinh phí nhà nước dành cho đơn vị công lập. Với nhuận bút như thế thì các tác giả mới có động lực xứng đáng để đầu tư cho chất xám, bởi viết tuồng sử thì thời gian đi tìm tư liệu, nghiên cứu tư liệu rất lâu, có khi cả năm, hoặc 2 - 3 năm chỉ viết được một kịch bản đạt yêu cầu về chất lượng.
Còn tác giả đơn vị xã hội hóa thì chỉ lãnh nhuận bút theo suất, chẳng hạn Yến Ngân của Sấm vang dòng Như Nguyệt lãnh 8 triệu/suất, và… chưa biết bao giờ mới có suất thứ hai. Không thể bắt đơn vị xã hội hóa trả nhiều hơn, vì họ còn muôn vàn thứ chi phí.
KHÓ TÌM TƯ LIỆU
Cải lương truyền thống quả thật đang bị cạnh tranh về độ hấp dẫn so với các loại hình khác, chẳng hạn kịch nói, phim ảnh, ca nhạc.
Cải lương đề tài lịch sử lại thêm cái khó về tư liệu. Đất nước ta đi qua nhiều cuộc chiến tranh, tư liệu văn bản lẫn hiện vật bị phá hủy, cho nên luôn thiếu thốn, mờ nhạt. Muốn kịch bản hấp dẫn thì tác giả phải hư cấu thêm, mà hư cấu thì luôn sợ bị "soi". Trong khi đó, tuồng hồ quảng thì có sẵn cả một kho truyện Tàu ngồn ngộn tha hồ mà phóng tác, mà hư cấu. Bây giờ còn có đơn vị lấy phim Tàu viết lại thành kịch bản cải lương, cũng đâu có ai bắt bẻ. Cho nên khi lên sàn diễn, tuồng hồ quảng hấp dẫn vô cùng với những nhân vật, tình tiết phong phú.
Tác giả Phạm Văn Đằng tâm sự: "Làm cải lương truyền thống phải vừa bảo đảm tính chính xác, chân thật của lịch sử, vừa bảo đảm tính hấp dẫn của nghệ thuật, khó vô cùng. May là trong câu chuyện sông Lòng Tàu, tôi đọc thấy có đội nữ binh, chỉ vài câu thôi, không nói rõ gì thêm, nhưng đó chính là "điểm mờ" để tôi sáng tạo, đặt nhân vật cho rất nhiều nghệ sĩ nữ của Nhà hát Trần Hữu Trang. Viết về cuộc chiến mà chỉ có đàn ông thôi thì chán lắm, phải có bóng dáng hồng nhan, có tình yêu cho thêm ngọt ngào".
KINH PHÍ SẢN XUẤT EO HẸP
Thực sự nguồn nhân lực, nhân tài của cải lương không thiếu, nhưng tại sao họ ít dám xông vào cải lương truyền thống? Lý do là kinh phí. Nhà hát Trần Hữu Trang là đơn vị công lập nên kinh phí do nhà nước cấp, không đến nỗi nào. Tuy nhiên, nhà nước cũng chỉ cấp cho đơn vị công lập 1 hoặc 2 vở/năm, cũng không gọi là nhiều so với số dân trong TP.
Đơn vị xã hội hóa như sân khấu Chí Linh - Vân Hà, sân khấu Đại Việt thì tự bỏ tiền tỉ ra sản xuất, có khi thu lại chỉ phân nửa. Chí Linh nói: "Dựng tuồng hồ quảng ít tốn kém hơn, vì trang phục dễ đi thuê, dễ sử dụng cho nhiều tuồng, có khi nghệ sĩ đóng vai chánh tự lo trang phục luôn cho vừa ý. Số ngày tập tuồng cũng ít hơn, vì trình thức, vũ đạo sẵn hết rồi. Còn vở truyền thống thì số ngày tập rất nhiều, vì phải tập mới, tập kỹ, chính xác từng chút một. Trang phục cũng phải nghiên cứu cho chính xác, thiết kế kỹ lưỡng, và may mới toàn bộ". Riêng tiền thuê rạp, lương nhân viên, nghệ sĩ, đủ thứ chi phí khác, lên đến 150 - 200 triệu đồng mỗi đêm. Bán vé dễ có nguy cơ là bù lỗ, cho nên ông chưa dám cho tái diễn Sấm vang dòng Như Nguyệt thêm suất nào nữa.
Với tình hình như vậy, chỉ còn cách là nhà nước vào cuộc. Sở VH-TT đã hứa sẽ cấp kinh phí để vở Khúc tráng ca thành Gia Định lưu diễn các quận huyện. Nhưng với các đơn vị xã hội hóa, thiết nghĩ cũng nên có phần chăm sóc để khuyến khích họ bằng những chính sách cụ thể. Nếu không, sân khấu khó khăn quá thì người ta lại hát hồ quảng để sống, khó mà trách họ. Họ có thể dành dụm tiền lâu lâu dựng một tuồng truyền thống cho đỡ áy náy, chứ cơm áo gạo tiền thường trực lại phải trông chờ vào hồ quảng nữa mà thôi.
Bình luận (0)