Giáng sinh 2024: Người Công giáo ở TP.HCM đến nhà thờ tĩnh tâm, xưng tội

21/12/2024 11:35 GMT+7

Trước lễ Giáng sinh, người Công giáo ở TP.HCM tập trung tại các nhà thờ, dành thời gian tĩnh tâm và xưng tội với các linh mục.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, 17 giờ ngày 20.3, tại nhà thờ Huyện Sỹ (Q.1), nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê hạt Tân Sơn Nhì, nhà thờ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh)... nhiều người đứng xếp hàng chờ tới lượt xưng tội. Vị linh mục ngồi tòa được làm bằng gỗ, có vách ngăn ở giữa để không cần nhìn thấy mặt người xưng tội. Người này xưng xong sẽ đến người khác, thời gian xưng của mỗi người khác nhau. Ai nấy đều xếp hàng trật tự, trang nghiêm.

Đến nhà thờ sau giờ học, em Trần Thị Quỳnh Nhi (18 tuổi, TP.HCM) tranh thủ xếp hàng vào tòa giải tội. Đứng trầm mặc một lúc để xét mình, Nhi bước tới để nhận bí tích hòa giải. Mùa Giáng sinh hằng năm, việc xưng tội đối với Quỳnh Nhi không chỉ là một nghi thức để dọn mình mà còn là một cách để đến gần hơn với Chúa.

Giáng sinh 2024: Người Công giáo ở TP.HCM đến nhà thờ tĩnh tâm, xưng tội- Ảnh 1.

Giáo dân xét mình tại nhà thờ trước lễ Giáng sinh

ẢNH: GIA THƯ

"Lễ Giáng sinh là một ngày lễ rất quan trọng với những người Công giáo. Vào thời gian này, gia đình mình cùng nhau đi xưng tội, đi xem thánh ca ở nhà thờ. Đối với mình, lễ Giáng sinh không phải một ngày lễ thông thường mà là một mùa để yêu thương cũng như lan tỏa những niềm hạnh phúc", Quỳnh Nhi nói.

Theo linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng - chánh xứ nhà thờ Vườn Xoài, để được xưng tội, người Công giáo phải xét mình, ăn năn tội, dốc lòng chừa, xưng tội và đền tội. Xét mình là nhớ lại các tội bản thân đã phạm từ lúc xưng tội lần trước đến giờ và mỗi tội phạm bao nhiêu lần. Ăn năn tội là thật lòng thống hối vì những tội mình đã làm mất lòng Chúa. Dốc lòng chừa là quyết tâm chừa cải và không phạm tội nữa. Xưng tội là kể các tội của mình cùng linh mục. Đền tội là làm các việc linh mục dạy làm. Đặc biệt, linh mục bị buộc giữ "ấn tòa giải tội" và không được tiết lộ hoặc nói với bất cứ ai về tội của người khác.

Giáng sinh 2024: Người Công giáo ở TP.HCM đến nhà thờ tĩnh tâm, xưng tội- Ảnh 2.

Linh mục không cần nhìn thấy mặt người xưng tội

ẢNH: GIA THƯ

Giáng sinh 2024: Người Công giáo ở TP.HCM đến nhà thờ tĩnh tâm, xưng tội- Ảnh 3.

Người dân xếp hàng chờ tới lượt xưng tội

ẢNH: GIÁO XỨ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ HẠT TÂN SƠN NHÌ

Giáng sinh 2024: Người Công giáo ở TP.HCM đến nhà thờ tĩnh tâm, xưng tội- Ảnh 4.

Giáo dân xưng tội với linh mục

ẢNH: GIÁO XỨ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ HẠT TÂN SƠN NHÌ

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh (54 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM) đến nhà thờ Thị Nghè từ rất sớm để cầu nguyện. Là giáo dân ở đây, khi nghe thông báo về lịch xưng tội cũng như tĩnh tâm trong mùa Vọng, bà luôn cố gắng sắp xếp để tham dự. Đối với bà, việc xưng tội trong dịp lễ Giáng Sinh mang một ý nghĩa lớn và còn là một truyền thống quan trọng, giống như một sự khởi đầu mới, loại bỏ tội lỗi để chuẩn bị chào đón Thiên Chúa giáng sinh.

"Lễ Giáng sinh là một dịp để mọi người nhìn lại bản thân, thông qua việc xưng tội và tĩnh tâm, mọi người có thể đến gần hơn với Thiên Chúa", bà Trinh chia sẻ.

Giáng sinh 2024: Người Công giáo ở TP.HCM đến nhà thờ tĩnh tâm, xưng tội- Ảnh 5.

Việc xưng tội diễn ra trang nghiêm

ẢNH: GIÁO XỨ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ HẠT TÂN SƠN NHÌ

Giáng sinh 2024: Người Công giáo ở TP.HCM đến nhà thờ tĩnh tâm, xưng tội- Ảnh 6.

Dòng người xếp hàng chờ tới lượt xưng tội trong thánh lễ tại nhà thờ Thị Nghè

ẢNH: GIA THƯ

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (23 tuổi, TP.HCM) cố gắng tham dự đầy đủ các chương trình trong mùa Vọng. Sau khi nhận Bí tích hòa giải, chị ngồi lại nhà thờ rất lâu, cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản hơn. Việc xưng tội giúp chị biết bản thân đang thiếu sót điều gì, từ đó xin Thiên Chúa tha thứ và đồng thời sống tốt mỗi ngày.

Giáng sinh 2024: Người Công giáo ở TP.HCM đến nhà thờ tĩnh tâm, xưng tội- Ảnh 7.

Nhiều người xưng tội trước lễ Giáng sinh

ẢNH: GIÁO XỨ THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ HẠT TÂN SƠN NHÌ

"Bí tích hòa giải là một trong những bí tích cần thiết để chuẩn bị tâm hồn sẵn lòng chờ đón Chúa đến, nhất là trong mùa Giáng sinh này", chị nói.

Xưng tội trước lễ Giáng sinh không chỉ là hành trình gột rửa tâm hồn mà còn là dịp để mỗi người làm mới lòng tin, tìm lại sự bình yên và chuẩn bị tinh thần đón nhận ánh sáng của Chúa Hài Đồng. Trong dòng chảy bận rộn của cuộc sống, giây phút đối diện với chính mình trong tòa giải tội trở thành một lời nhắc nhở về giá trị của sự tha thứ và tình yêu thương đích thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.