Chị Nguyễn Thị Linh (24 tuổi, ở giáo xứ Nhượng Bạn, Hà Tĩnh) nói rằng, những ngày đầu tháng 6, chị đã đến nhà thờ lãnh bí tích hòa giải. Khi đến nhà thờ, chị giữ im lặng, quỳ gối hồi lâu trước bàn thờ xét bản thân và xếp hàng chờ đến lượt. Nhiều giáo dân trong giáo xứ cũng đến nhà thờ như chị để được giải tội.
Các vị linh mục ngồi tòa, tòa được làm bằng gỗ, có một vách ngăn được che thêm tấm vải để chỉ có thể nghe được tiếng của giáo dân mà không cần thấy mặt. Thời gian xưng tội của mỗi người không giống nhau. Người này xưng xong sẽ xuống để người khác lên. Mọi người xếp hàng theo thứ tự, rất trang nghiêm và trật tự.
"Tôi nghĩ trong cuộc sống hằng ngày không ai không có tội, không ai là hoàn hảo. Tôi thỉnh thoảng quên không đọc kinh, lúc bực tức có chửi bậy, cãi nhau,… nên đến nhà thờ xưng, giải tội để thấy nhẹ nhàng và trở về với quyết tâm không phạm những tội đó nữa. Ngoài ra, mỗi lần xưng tội tôi được nghe cha tâm sự, chia sẻ các bế tắc hay khuyên bảo để có thể tránh tội và sống thánh thiện hơn", chị Linh chia sẻ.
Bí tích hòa giải là gì?
Giáo hội Công giáo dạy rằng, bí tích hòa giải là dấu chỉ Chúa Giêsu thiết lập để tha tội ta đã phạm cùng giao hòa với Thiên Chúa và mọi người. Bí tích này có nhiều tên gọi: bí tích hoán cải, bí tích sám hối, bí tích xưng tội, bí tích tha tội,…
Linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng (chánh xứ nhà thờ Vườn Xoài) cho biết, con người ai cũng có tội. Đối với người Công giáo, nếu phạm tội hay có những việc làm trái với luân thường đạo lý phải xưng hết ra. Sau đó, vị linh mục khuyên bảo và ban ơn tha thứ. Linh mục hoặc Đức Giám mục hành động nhân danh Chúa Giêsu là người có thể ban bí tích hòa giải. Người Công giáo thường xưng tội hàng tuần, vài tháng hoặc một năm một lần tùy thuộc vào từng người.
Ai có thể nhận bí tích hòa giải?
Chánh xứ nhà thờ Vườn Xoài cho hay, bất kỳ ai đã nhận bí tích rửa tội đều có thể nhận bí tích hòa giải. Để được xưng tội, người Công giáo phải xét mình, ăn năn tội, dốc lòng chừa, xưng tội và đền tội.
Xét mình là nhớ lại các tội bản thân đã phạm từ lúc xưng tội lần trước đến giờ và mỗi tội phạm bao nhiêu lần. Ăn năn tội là thật lòng thống hối vì những tội mình đã làm mất lòng Chúa. Dốc lòng chừa là quyết tâm chừa cải và không phạm tội nữa. Xưng tội là kể các tội của mình cùng linh mục. Đền tội là làm các việc linh mục dạy làm. Đặc biệt, linh mục bị buộc giữ "ấn tòa giải tội" và không được tiết lộ hoặc nói với bất cứ ai về tội của người khác.
Người Công giáo phải xét mình về những tội đã phạm như: sống thiếu lòng tin, hoài nghi về những điều Thiên Chúa và Hội thánh dạy, bỏ đọc kinh, mê tín dị đoan,… Những tội người Công giáo phạm với người khác như: kiêu căng, nói xấu người khác, gian dối, vợ chồng cãi nhau, có tư tưởng ngoại tình, thề thốt những điều không nên… Những tội người Công giáo phạm với bản thân mình như: không chăm lo sức khỏe, ăn chơi sa đọa,…
Khi xưng tội, mọi người phải suy xét theo 10 điều răn của Chúa, nếu phạm tội nào phải xưng tội đó kèm theo số lần. "Khi phạm tội trọng, mọi người bắt buộc phải xưng tội. Lương tâm con người ai cũng có vì vậy làm cho người khác đau khổ, nói những lời xúc phạm khiến họ không ăn uống được cũng là phạm tội", linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng nói.
Người Công giáo lãnh nhận gì với bí tích hòa giải?
Theo vị linh mục, giáo dân sẽ được tha tội, linh hồn lấy lại được ơn thánh, được tha hình phạt và được trợ giúp để sống thánh thiện hơn. Người Công giáo cũng phải tự đổi mới, quyết tâm không được phạm tội sau khi nhận bí tích hòa giải.
"Các cha sẽ có ơn Chúa để giải thích cho mọi người vì sao họ phạm tội và có những chấn chỉnh, hướng dẫn và tha tội. Mỗi người nhận được ơn Chúa là một sự bình an, sâu lắng. Nếu trước khi lãnh bí tích hòa giải tâm hồn mọi người nặng nề, giống đeo những tảng đá trên lưng thì sau sẽ được gỡ bỏ, có một cuộc sống mới. Đó cũng là điều kỳ diệu của bí tích hòa giải", vị chánh xứ cho biết.
Bình luận (5)