Giảng viên 'bật mí' các yếu tố giúp sinh viên học trực tuyến hiệu quả

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
08/04/2020 09:14 GMT+7

'Ôi buồn ngủ quá, bật máy lên điểm danh rồi ngủ tiếp vậy', 'Học qua mạng như thế này chắc không tính điểm đâu'... là suy nghĩ của không ít sinh viên, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của học trực tuyến .

Hãy tự giác, không ngủ nướng

Thạc sĩ Lương Thị Nhung, giảng viên Khoa Cơ bản, Trường CĐ thực hành FPT Polytechnic, nhìn nhận: "Những sinh viên học tốt trong các lớp học trực tuyến mình đang dạy hầu hết đều đúng giờ và hoàn thành các bài tập đúng hạn. Là vì các bạn rất có ý thức kỷ luật, không ham ngủ, không ngủ nướng đến trễ giờ học. Ngoài ra, khi cô nói trao đổi nhóm là ngay lập tức những sinh viên này lặp lại câu hỏi và nêu ý kiến cá nhân. Lý do là vì các bạn đã chủ động nghiên cứu bài từ trước rồi, hoặc rất nghiêm túc theo dõi bài giảng trong lúc học".
Theo thạc sĩ Nhung, ngủ nướng, tâm lý lười học, tinh thần học tập bị giảm là tình trạng chung của không ít sinh viên trong thời gian ở nhà mùa Covid-19. Vì vậy, yếu tố đầu tiên để học trực tuyến hiệu quả là "không ngủ nướng, không lười nhác, nâng cao ý thức tự học và kỷ luật của bản thân". "Vì học online không ai quản lý, nên có em mở tài khoản vô học, nhưng tắt mic, tắt camera ngủ ngon lành. Mê ngủ như vậy là coi như bỏ lỡ hết kiến thức rồi", thạc sĩ Nhung chia sẻ.
"Sự chủ động và ý thức học tập cao của sinh viên được thể hiện ở chỗ các em luôn chuẩn bị sẵn sàng máy tính hoặc điện thoại và các công cụ hỗ trợ như camera, mic để nói, chuẩn bị tốt về kết nối internet. Ngoài hướng dẫn thầy cô chia sẻ trên lớp, các em sẽ tự tìm hiểu thêm trên mạng. Có em còn chia sẻ lại kiến thức với nhóm trong các tiết học trực tuyến. Ai siêng đọc, siêng tìm hiểu là khác liền. Khi học trực tuyến, tùy theo lớp, theo trường, có khi một lớp từ 20 - 30 SV (hoặc đông hơn), thầy cô chỉ thấy được SV nếu SV mở camera (chứ không như ở trên lớp là thấy hết SV một lúc), nên nếu các em không tự giác, không chủ động mà cố tình lười biếng thì giảng viên cũng không kiểm soát hết được", thạc sĩ Nhung lưu ý.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy, Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng tính chủ động, ý thức tự giác là yếu tố quyết định đến thành tích học tập của sinh viên, không chỉ trong quá trình học trực tuyến mà cả trong quá trình học trên lớp. "Mỗi sinh viên hãy đặt mục tiêu học tập cho bản thân và nỗ lực tìm hiểu kiến thức, tình huống thực tiễn để trao đổi với giảng viên khi lớp học diễn ra. Nếu không thì chỉ ngồi nghe giảng cũng rất bị động và kiến thức sẽ không đọng lại khi kết thúc buổi giảng", tiến sĩ Thuỵ cho hay.

Sắp xếp thời gian biểu giống học trên lớp

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy, sinh viên cần sắp xếp thời gian biểu học tập của mình giống như thời gian học trên lớp, bởi hầu hết các giảng viên sẽ giảng dạy theo kế hoạch của trường. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần trao đổi với gia đình về kế hoạch học một cách rõ ràng cho cha mẹ để không bị gián đoạn việc học.

"Cha mẹ cũng nên giám sát việc học của con mình trong giai đoạn học trực tuyến tại nhà. Đây cũng là thời điểm để quan tâm việc học của con cái mình tại trường ĐH như thế nào. Ngoài ra, sinh viên cũng cần chuẩn bị tài liệu học tập của các môn học như bài giảng, sách,… và yêu cầu của môn học trước mỗi buổi học. Có một khác biệt là dạy trực tiếp trên lớp sẽ tập trung thảo luận nhóm còn trực tuyến sẽ tập trung vào tư duy cá nhân. Vì thế, trong quá trình nghe giảng sinh viên cần ghi chú những điểm giảng viên phân tích để nắm rõ kiến thức bài học".
Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thoa, Trưởng khoa Chính trị - Luật, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng nhấn mạnh: "Các em cần tuân thủ các yêu cầu của giảng viên: đọc và học trước tài liệu, việc này giúp sinh viên theo kịp kiến thức và hứng thú với nội dung học. Khi học cần có một cuốn vở để ghi chép kiến thức. Các em chủ động tải tài liệu về và làm theo yêu cầu của giảng viên các bài tập cũng như chủ đề thảo luận. Sau đó trao đổi với giảng viên những nội dung mà mình thắc mắc hoặc góc nhìn cá nhân về chủ đề đã giao. Các em đừng quên tìm một khu vực trong nhà mà mình cảm thấy thoải mái để tập trung học tập, và hãy tưởng tượng, hình dung mình đang ở trường chứ không phải đang học ở nhà".
Thạc sĩ Lương Thị Nhung cho rằng, khi giảng viên chủ động tạo bầu không khí sôi nổi trong lớp học trực tuyến, nếu được sinh viên đáp lại bằng thái độ học tập tích cực thì giảng viên sẽ có cảm hứng hơn, tạo ra tiết học hiệu quả hơn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.