Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 20/2020/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học. Đây là thông tư mới thay thế cho thông tư hiện hành được ban hành từ năm 2014.
Về quy định cơ bản, thời lượng làm việc trong một năm học của giảng viên đại học không có gì thay đổi, vẫn là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính) để thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và các nhiệm vụ chuyên môn khác.
Từng trường quy định giảng viên dạy hay nghiên cứu nhiều hơn
Tuy nhiên, với từng quy định cụ thể, nội dung thông tư có một số thay đổi quan trọng so với quy định hiện hành. Trong đó, có quy định về định mức giờ chuẩn giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên.
Theo quy định mới, định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định trong khung từ 200 đến 350 giờ chuẩn (tương đương từ 600 đến 1.050 giờ hành chính).
Trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp hoặc giảng dạy trực tuyến chiếm tối thiểu 50% định mức quy định. Trong khi đó, quy định hiện hành định mức giờ chuẩn cho giảng viên trong một năm học là 270 giờ chuẩn.
Việc đưa ra khung định mức trên là căn cứ để quy định mới cho phép thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học cho phù hợp (căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị; mục tiêu, chiến lược phát triển của nhà trường; đặc thù của môn học, ngành học).
Về định mức nghiên cứu khoa học, cả quy định cũ và mới đều yêu cầu giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Nhưng quy định mới cho phép những giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì được phép bù từ giờ chuẩn giảng dạy sang. Để đánh giá hoạt động này của giảng viên, thủ trưởng cơ sở giáo dục đào tạo sẽ căn cứ vào mức độ (không hoàn thành), hoàn cảnh cụ thể của giảng viên.
Không quy định chi tiết việc quy đổi giờ chuẩn
Trong thông tư hiện hành, Bộ GD-ĐT quy định chi tiết việc quy đổi giờ chuẩn cho các hoạt động chuyên môn như hướng dẫn thực tập, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, hướng dẫn làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ… Nhưng trong thông tư mới, tất cả các quy định này đều được bỏ.
Thay vào đó, Bộ GD-ĐT chỉ quy định quy đổi giờ chuẩn cho lớp học vượt quy mô 40 sinh viên, hoặc tiết dạy chuyên đề, tiết dạy khác với các tiết dạy cho diện sinh viên đại trà.
Cụ thể, đối với lớp học có trên 40 sinh viên, tùy theo điều kiện làm việc cụ thể đối với từng lớp ở từng chuyên ngành khác nhau, một tiết giảng dạy lý thuyết (trực tuyến hoặc trực tiếp) có thể nhân hệ số quy đổi nhưng không quá 1,5.
Một tiết giảng dạy chuyên đề, giảng lý thuyết cho các lớp đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hoặc một tiết giảng bằng tiếng nước ngoài đối với môn học không phải là môn ngoại ngữ được tính bằng 1,5 đến 2,0 giờ chuẩn giảng dạy.
Với các hoạt động chuyên môn khác, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định việc quy đổi thời gian thực hiện ra giờ chuẩn giảng dạy cho phù hợp.
Đối với các nhiệm vụ đã có kinh phí hỗ trợ thù lao từ các nguồn kinh phí khác thì không thực hiện quy đổi thời gian thực hiện nhiệm vụ ra giờ chuẩn giảng dạy. Tuy nhiên, các nhiệm vụ này được xem xét tính vào tổng định mức giờ chuẩn giảng dạy để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trong năm học đối với giảng viên không vượt định mức lao động.
Về việc trả thù lao cho giảng viên làm việc vượt định mức, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học còn phải căn cứ vào các quy định khác của nhà nước và thực tế của đơn vị để quyết định chi trả cho phù hợp. Thời gian làm việc vượt định mức của giảng viên hàng năm không được vượt quá thời gian theo quy định của pháp luật về lao động.
Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 11.9 tới.
Bình luận (0)