Các nghiên cứu khoa học của anh Nguyễn Đình Vinh tập trung vào mảng nghiên cứu về ứng dụng, cụ thể là giải thuật Trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ cho xe tự hành.
Anh Vinh có 4 nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí Q1 thuộc danh mục ISI/ Scopus. Các nghiên cứu này gồm: "Feature Engineering and Deep Learning for Stereo Matching Under Adverse Driving Conditions"; "A Deep Learning Framework for Robust and Real-Time Taillight Detection Under Various Road Conditions"; "A Robust Triangular Sigmoid Pattern-Based Obstacle Detection Algorithm in Resource-Limited Devices" cùng đăng trên tạp chí IEEE Transactions on Intelligent Transporation System lần lượt vào các năm 2021, 2022 và 2023.
Mới đây, anh Vinh có bài báo chủ đề: "A Fusion of RGB Features and Local Descriptors for Object Detection in Road Scene" đăng trên tạp chí IEEE Accesss.
"Tôi thích mảng nghiên cứu về ứng dụng, cụ thể trên xe tự hành", anh Vinh chia sẻ. Từ đó, các kết quả nghiên cứu này có thể áp dụng cho các bài toán khác thuộc những lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp...
Ngoài công việc giảng dạy tại Trường ĐH FPT, anh Vinh còn là Trưởng nhóm Nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo tại AI Việt Nam.
Quan niệm "nghiên cứu khoa học là một trong những trụ cột chính của giáo dục đại học", ngoài việc tập trung vào các nghiên cứu cá nhân, anh Vinh thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên Trường ĐH FPT nghiên cứu khoa học.
Năm 2021, anh Vinh lần đầu hướng dẫn nhóm sinh viên nghiên cứu về đề tài "Xây dựng hệ thống xe tự hành mô phỏng điều kiện thực tế trên mạch Raspberry PI". Nghiên cứu này đã đạt giải Nhì trong cuộc thi FPT Edu Research Festival do Tổ chức Giáo dục FPT tổ chức. Nhóm cũng gửi báo cáo đến tạp chí IEEE Transactions on Intelligent Transporstation System.
"Mất tới 2 năm (2021-2023), nghiên cứu này mới được chấp thuận công bố. Đó cũng là khoảng thời gian đáng nhớ khi tôi đồng hành cùng sinh viên trao đổi làm rõ quá trình và kết quả nghiên cứu với tạp chí. Qua đó, nhóm sinh viên học hỏi được nhiều về phương pháp nghiên cứu và công bố bài báo khoa học", anh Vinh chia sẻ. Kết quả của đề tài cũng là nền tảng để một sinh viên trong nhóm được tuyển dụng vào bộ phận nghiên cứu về AI ứng dụng trong y tế của FPT Software TP. HCM.
Anh Vinh đánh giá cao vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học trong việc hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng cho sinh viên. Theo anh, quá trình nghiên cứu giúp sinh viên Trường ĐH FPT rèn luyện kỹ năng tư duy khám phá, phản biện, giải quyết vấn đề, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.
Năm nay, anh Vinh tiếp tục hướng dẫn một nhóm sinh viên tham gia chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học với đề tài ứng dụng AI vào nông nghiệp.
"Tôi thường áp dụng hai phương pháp giảng dạy: Kiến tạo xã hội (Contructivism) và Giải quyết vấn đề (problem-based learning) để hướng dẫn sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học. Phương pháp này giúp sinh viên chủ động tìm giải pháp cho những bài toán được đặt ra", anh Vinh cho biết. Định kỳ, thầy và trò làm nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ sẽ tổ chức các buổi giới thiệu, trao đổi phương pháp và công nghệ nghiên cứu mới.
Thời gian tới, anh Vinh dự định xây dựng nhóm nghiên cứu khoa học để hỗ trợ sinh viên Trường ĐH FPT tham gia nghiên cứu và có nhiều công bố quốc tế. Ngoài ra, anh cùng các giảng viên Trường sẽ kết nối với các doanh nghiệp để nỗ lực đưa nghiên cứu vào thực tế.
Năm 2024 Trường ĐH FPT tuyển sinh các ngành: Công nghệ thông tin (Thiết kế vi mạch bán dẫn, Công nghệ ô tô số, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Thiết kế mỹ thuật số), Quản trị kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, Tài chính); Công nghệ truyền thông (Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng), Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Trung Quốc.
Thí sinh chọn Trường Đại học FPT làm một trong các nguyện vọng của mình để có cơ hội trở thành sinh viên của trường.
Bình luận (0)