Nói về dạy con, thì 9 người phải đến cả 10 hay cả 20 ý không chừng. Và người nào cũng chẳng chịu thua ai khác khi đụng đến vấn đề gây tranh cãi ở mọi thời đại này.
Hai thái cực
Ai bảo thương thì cho roi cho vọt, nhưng bà Năm thì không thế. Cháu bà quấy, bà cũng ráng xoa dịu vỗ về đủ kiểu chứ chẳng dám đụng đến thằng bé tẹo nào. Ai bảo bà nuông, bà liền đọc vanh vách cách dạy con của phương Tây: “Này, mấy người chẳng chịu học hỏi mở mang kiến thức gì cả. Bọn Tây có đánh trẻ đâu? Thậm chí còn cấm đánh bé nữa đấy, để tránh ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi chúng lớn”.
Còn bà Bảy thì lại khác, dùng roi vọt mọi lúc mọi nơi. Không phải bà chẳng thương cháu, thương đứt ruột ấy chứ, nhưng cháu không nghe thì lập tức bà rút ngay cây roi. Không ăn cũng đánh, ăn chậm cũng đánh, ói cơm cũng đánh, nói chung là đánh toàn tập. Người xung quanh ai nấy đều gọi bà là Tào Thị thời hiện đại. Con dâu thì chịu bà một phép, chẳng dám nhúng tay vào chuyện dạy cháu của bà.
Cả hai trường hợp trên thật đúng là hai thái cực. Kết quả là hai đứa cháu khác nhau một trời một vực: cháu bà Năm cái gì cũng khóc, cái gì cũng mè nheo, còn cháu bà Bảy cứ lấm lấm lét lét, nhưng hay bị mắng vốn là cứ đánh bạn trong trường mẫu giáo.
Kẻ xây người phá
Rút kinh nghiệm trên từ hàng xóm, từ đầu Nga đã hết sức cẩn thận trọng việc dạy con. Ngay từ lúc còn mang bầu, cô đã tiến hành hội ý cả nhà, đặt quy định rằng mỗi lần chỉ có một người dạy bé, và tất nhiên cô khéo léo đề nghị người đó là mình. Còn ai gần gũi và hiểu con như mẹ chứ? Nhưng khi áp dụng trên thực tế đúng là không dễ, nhất là khi ông bà quá sức thương cháu.
Đầu tiên, mẹ chồng gợi ý con dâu nên mua nôi chứ không nên để bé ngủ chung giường với hai vợ chồng, để tránh ngủ say đè ngạt bé. Nghe qua rất có lý, nhưng Nga bảo bà rằng mình quyết định cho con ngủ chung giường vì lợi ích nhiều đường. Dù lâu nay văn hóa phương Tây cứ hay cổ súy cho chuyện tách con ra khỏi mẹ từ ban đầu, nhưng thực tế chứng minh khác hẳn. Trẻ ngủ chung với cha mẹ lại chứng tỏ sự độc lập sớm, và ít cần đến những đồ dùng trợ giúp vì chúng không lâm vào tình trạng luôn lo lắng khi ở một mình. “Khi đứa trẻ có thói quen ngủ cùng với người lớn, hoặc được ôm trong tay, bé hiếm khi nào bú tay hoặc nhờ cậy những đồ dùng quen thuộc mới ngủ được”, theo giải thích của tiến sĩ Jay Gordon, tác giả cuốn Những đêm ngon giấc: Chỉ dẫn cho cha mẹ về chuyện ngủ chung giường với trẻ. Chưa hết, thói quen này còn tăng cường lòng tự trọng, giảm nguy cơ rối loạn hành vi và ít bị áp lực như những trẻ đồng trang lứa bị buộc phải ngủ riêng. Sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái theo đó cũng khắng khít hơn.
Mọi chuyện tưởng chừng như tạm ổn, nhưng đến khi Nga hết giai đoạn nghỉ thai sản và quay trở lại làm việc, vấn đề lại phát sinh. Bữa nghỉ ở nhà, Nga mới phát hiện ông bà già chồng chìu cháu quá mức. Bé đi đụng đầu vào bàn, lập tức bà chạy lại, dùng tay đánh đánh cái bàn, bảo: “Bàn hư này, làm đau em”. Cô hết hồn mới bảo ông bà rằng đừng dạy cháu thế, cái bàn làm sao tự làm đau bé được, phải chỉ bé cách cẩn thận trong đi đứng để bảo vệ mình, chứ cứ nói trớ ra như thế thì dạy dỗ được gì. Còn khi ăn, ông đặt bé lên đùi nựng nịu, bà miệng mồm tròn vo đút bé. Nga lại phải thuyết phục ông để bé tự ngồi một ghế và tập xúc như mọi người khác trong nhà. Khi bé nổi hứng muốn phụ việc, như quét nhà, bà lại giành lấy chổi chẳng cho bé làm gì.
Gia đình Thu lại khác. Vợ chồng trẻ sống riêng, thỉnh thoảng bà nội mới đến thăm cháu, nên chuyện nuôi dạy con một tay Thu xoay xở. Cực thì có cực, nhưng cô rất hài lòng vì con cái đâu ra đấy. Bé tự mặc quần áo, tự xúc cơm ăn, biết giúp mẹ làm việc lặt vặt dù là con trai. Thu cũng hạn chế đánh con, chỉ dùng cách phạt, như không cho xem TV, không đi chơi, hoặc đọc truyện, hoặc điều gì bé rất thích, nếu con làm sai. Làm đúng thì bé sẽ nhận được cái gật đầu đồng tình của mẹ. Khi bà nội đến chơi, gặp lúc bé quấy bị phạt, bà liền bênh. Bé bảo rằng: “Mẹ thương, muốn dạy con nên người”, khiến bà hết sức ngạc nhiên.
Phi Yến
>> Thay đổi người nuôi con sau ly hôn
>> Người mẹ trẻ mong được sống để nuôi con
>> Nuôi con khoa học ngay từ khi lọt lòng
>> Gà trống nuôi con
Bình luận (0)