Chuyện vừa xảy ra tại Q.2, TP.HCM. Theo phản ánh của chị H. (ngụ Q.2, TP.HCM) tới Báo Thanh Niên, khoảng 19 giờ ngày 1.3, chị và bạn đi ô tô đến nhà hàng R.B trên đường Trần Não (Q.2) để ăn tối.
Nhà hàng không có bãi đậu xe nên tất cả ô tô đậu ở lề đường Trần Não. Khi chị chạy xe đến thì nơi đây đã hết chỗ đậu nên bảo vệ yêu cầu đưa chìa khóa để chạy đi gửi. “Vì tôi đã nhiều lần tới ăn tại nhà hàng này và đưa xe cho bảo vệ đi gửi, không lấy phiếu giữ xe nên tin tưởng đưa chìa khóa xe cho bảo vệ mà không lấy phiếu”, chị H. nói.
Đến 21 giờ cùng ngày, chị H. và bạn rời nhà hàng, ra lấy xe. Khi yêu cầu bảo vệ chạy xe lại thì người này nói “bạn chị đã lấy xe đi rồi”. Chị H. và nhóm bạn khẳng định tất cả mọi người vừa cùng rời nhà hàng ra lấy xe nên không có chuyện “bạn đã lấy xe đi”. Sau khi kiểm tra không thấy xe của mình, chị H. gọi báo vụ việc cho Công an Q.2 đến giải quyết.
Giao nhầm xe?
“Trong lúc công an đang làm việc, khoảng 2 giờ sau khi vụ việc xảy ra thì có hai người đàn ông chạy xe của tôi đến quán trả lại. Họ giải thích là do uống say quá, bảo vệ giao nhầm xe nên chạy đi không để ý!”, chị H. kể lại.
Theo chị H., mỗi người chạy quen xe của mình, việc bảo vệ giao xe cho người khác và nói nhầm là điều khó tin. “Tuy nhiên, sau khi tìm được xe, quản lý nhà hàng đã xin lỗi nên chúng tôi bỏ qua”, chị H. nói và cho biết muốn phản ánh câu chuyện để mọi người lưu ý: “Trong trường hợp xe tôi bị mất thật thì không biết lấy cơ sở nào để bắt đền chủ nhà hàng, bảo vệ. Chưa kể xe mình giao cho những người này lái đi gửi mà gây tai nạn thì mình sẽ là người chịu trách nhiệm?”.
Trả lời PV Thanh Niên, một cán bộ Công an Q.2 xác nhận có vụ việc trên xảy ra tại địa bàn quận. Tuy gia đình chị H. sau khi tìm được xe không có yêu cầu gì, nhưng qua vụ việc, vị cán bộ khuyến cáo: “Người dân không nên giao xe cho các bảo vệ, người giữ xe khi vào các quán ăn, nhà hàng để chạy đi gửi. Khi gửi xe, cần lấy thẻ giữ xe và kiểm tra kỹ các thông tin trên thẻ như: biển số xe, tên nhà hàng, công ty giữ xe... để phòng khi bất trắc”.
Coi chừng hệ lụy
Tình trạng nhà hàng, quán cà phê... không có bãi đậu xe trong khuôn viên, phải gửi xe nơi khác khá phổ biến tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
tin liên quan
Nhân viên khách sạn lái xe khách va trực diện taxi làm nữ hành khách tử vongNăm 2017, đã xảy ra trường hợp một nhân viên khách sạn ở Phú Nhuận (TP.HCM) trước khi đưa xe của khách vào hầm đã đánh một vòng, đâm vào taxi làm tài xế taxi bị thương nặng, nữ hành khách trên taxi tử vong…
Anh Lê Tâm, chủ một nhà hàng trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), nhìn nhận việc nhà hàng thiếu bãi giữ ô tô nên phải thuê các bãi xe ở nơi khác là rất phổ biến.
“Tại nhà hàng của tôi, nhân viên đều mặc đồng phục để khách nhận biết người của nhà hàng. Tôi cử hai nhân viên có bằng lái ô tô, có kinh nghiệm lái xe để đưa xe của khách tới bãi. Khi khách đến nhà hàng, nhân viên có bằng lái sẽ đến ghi thẻ xe đưa cho khách, rồi lái xe về bãi, đưa chìa khóa lại cho khách. Khi khách về, nói biển số xe, đưa chìa khóa cho hai nhân viên này lái xe lại, khách đưa thẻ xe và nhận lại xe ra về”, anh Tâm nói.
Hỏi nhà hàng có lường tình huống nhân viên va quệt, thậm chí gây tai nạn khi đưa xe của khách vào bãi, ông chủ nhà hàng này nhìn nhận: “Chuyện đó không ai nói trước được. Cũng luôn dặn các em phải cẩn thận, nhưng nếu chẳng may xảy ra thì cũng phải chịu thôi, vì tìm được mặt bằng vừa làm nhà hàng vừa có bãi đậu xe khó lắm”.
Ngoài những hệ lụy nêu trên, một cán bộ cảnh sát hình sự Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) khuyến cáo có nhiều trường hợp các băng nhóm trộm xe trà trộn vào các quán nhậu, nhà hàng trộm cắp xe, nhất là xe máy.
“Bọn chúng thường đứng gần các quán nhậu đông đúc, giả làm nhân viên quán để nhận xe khách. Nếu khách không hỏi rõ mà giao xe cho các đối tượng này thì sẽ bị mất xe ngay sau đó. Khi đó, khách sẽ khó bắt đền chủ hay bảo vệ quán. Vì vậy, khi giao xe, khách cần biết rõ đúng người của quán, có ghi thẻ giữ xe rõ ràng thì mới giao xe”, vị cán bộ lưu ý.
Đã xảy ra nhiều tai nạn
- Năm 2017, nhân viên một khách sạn trên đường Hoa Sứ (Phú Nhuận) điều khiển ô tô của khách đến ngã tư đường Hoa Phượng và Hoa Lan (P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thì va chạm với một xe khác, làm 1 người chết và 1 người bị thương.
- Tháng 2.2016, nhân viên một cửa hàng chuyên bán phụ tùng ô tô khi đang điều khiển ô tô của khách trên đường Trần Thánh Tôn (TP.Hà Nội) thì lao lên vỉa hè rồi đâm vào 2 ô tô đậu bên đường và một phụ nữ đi đường. Tai nạn khiến 3 xe hư hỏng, người phụ nữ bị thương nhẹ.
- Cũng trong tháng 2.2016, một thợ rửa xe ở Hà Nội lái xe của khách lưu thông tại phố Ái Mộ (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) thì xảy ra va chạm với 3 xe máy và 1 người đi bộ. Hậu quả làm 3 người chết.
- Tối 24.11.2015, tại điểm giữ xe trên đường Trần Quang Khải (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), nhân viên bảo vệ lái xe của khách đi gửi đã lùi đổ hàng rào, lao xuống đường rồi tông vào nhiều phương tiện khác. Tai nạn không gây thương vong nhưng khiến người đi đường hoảng hốt.
|
“Bằng lái của em là ngày nào em cũng lái đủ loại xe”
Ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 9.3, trước cổng một nhà hàng trên đường Lê Quý Đôn (P.7, Q.3) từ 16 giờ đã có nhiều xe ra vào, hàng chục chiếc ô tô được nhân viên nhà hàng hướng dẫn đậu kín một bên đường. Hết chỗ nhưng khách vẫn tới nườm nượp, một nhân viên nhà hàng vẫn nhiệt tình vẫy khách. Khách vừa dừng xe, nhân viên này mở cửa mời khách vào nhà hàng, còn anh ta leo lên ô tô chạy thẳng vào bãi giữ xe cách đó khoảng 100 m, sau đó về giao chìa khóa lại cho khách.
Chỉ trong khoảng 1 tiếng, các nhân viên ở đây lái gần chục chiếc ô tô của khách tới lui giữa bãi gửi xe và nhà hàng...
Tương tự, tại một quán karaoke trên đường Phạm Viết Chánh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), các nhân viên cũng hướng dẫn khách vào quán rồi lấy chìa khóa xe tùy ý “sử dụng”.
Khoảng 19 giờ 15, một đôi nam nữ đi ô tô màu trắng 60A-477... chạy đến dừng trước quán. Lập tức, 2 nhân viên nhanh chóng chạy ra mở cửa, mời khách vào. Sau đó, một nhân viên leo lên nổ máy xe chạy đi gửi tại một cửa hàng kinh doanh có mặt sân rộng cách quán khoảng 50 m. 10 phút sau, tiếp tục ô tô 56N-40... đến và nhân viên quán lại leo lên lái xe đi. “Có bằng lái không mà leo lên xe tôi?”, khách hỏi và nhân viên trẻ trả lời: “Anh yên tâm, bằng lái của em là ngày nào em cũng lái đủ loại xe”!
|
Bình luận (0)