Chiều 16.5, ông Nguyễn Mạnh Hiếu, Phó chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), đến nhà riêng của gia đình anh Đàm Truyền Khải (43 tuổi) để vận động anh này giao con cho vợ cũ theo bản án đã tuyên án của tòa.
Phó chủ tịch thành phố 2 lần xuống nhà thuyết phục
Đây là lần thứ hai vị Phó chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh trực tiếp đến tận nhà anh Khải để thuyết phục. Bốn ngày trước, cuộc gặp lần đầu diễn ra nhưng không đạt kết quả.
Lần này, tham gia đoàn công tác do ông Hiếu dẫn đầu có đại diện Công an TP.Bắc Ninh, hội phụ nữ, cán bộ tư pháp, đại diện chính quyền P.Suối Hoa (TP.Bắc Ninh) và cán bộ Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Bắc Ninh.
Sau ít phút trò chuyện, anh Đàm Truyền Khải chấp nhận giao con cho vợ cũ là chị Cấn Thị Thùy Dương (33 tuổi), theo bản án đã có hiệu lực.
"Tôi đồng ý giao con nhưng nếu cháu không được mẹ nuôi dưỡng đảm bảo, tôi sẽ đòi lại quyền nuôi dưỡng; đừng nghĩ được nuôi con rồi sau đó bỏ bê. Tôi không phản đối vợ nuôi con, chỉ lo lắng cháu không được chăm sóc tốt", anh Khải nêu quan điểm.
Để người cha yên tâm, đại diện Chi cục THADS TP.Bắc Ninh giải thích, cháu bé là con chung của 2 người, tuy giao cho mẹ nuôi dưỡng nhưng cha vẫn có quyền thăm gặp. Nếu chị Dương cản trở quyền đó hoặc ngược đãi con, anh Khải có thể đề nghị tòa thay đổi quyền nuôi con.
Chứng kiến sự đồng thuận giữa các bên, ông Nguyễn Mạnh Hiếu "cảm ơn sự nhận thức của anh Khải và tinh thần trách nhiệm của chị Dương". Phó chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh cũng nhấn mạnh, pháp luật trao quyền nuôi dưỡng cho chị Dương đi liền với việc chị có trách nhiệm chăm sóc con chu đáo.
"Một ngày ở với nhau cũng nên nghĩa vợ chồng, cả hai hãy cố gắng gạt bỏ hết những mâu thuẫn để ứng xử với nhau có tình người hơn, tất cả vì lợi ích của con trẻ", ông Hiếu khuyên nhủ.
Đây là vụ việc hy hữu liên quan đến tranh chấp quyền nuôi dưỡng con. Cách nay gần 1 năm, chị Dương và anh Khải ly hôn, tòa tuyên bố dành quyền nuôi con cho chị. Tuy nhiên, anh Khải không chịu thi hành án, không giao con cho vợ cũ, cũng không tạo điều kiện để vợ cũ chăm con, dù chính quyền đã có hàng chục lần vận động, thuyết phục.
Cuối tháng 4 vừa qua, Công an TP.Bắc Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Khải về tội không chấp hành án. Sau đó, chính quyền tiếp tục có thêm 2 lần vận động, đến nay anh này mới đồng ý giao con cho vợ cũ.
Giao con nhưng sẽ "nghỉ việc để giám sát"
Ký biên bản bàn giao con xong, thay vì để chị Dương bế con về nhà, anh Khải cho rằng con "đang sợ hãi, chưa quen mẹ" nên tự ôm con, lên xe của Chi cục THADS TP.Bắc Ninh để cùng về nhà vợ cũ, ở khu phố cách đó khoảng 2 km.
Mọi sự tưởng chừng kết thúc êm đẹp, tuy nhiên khi tổ công tác ra về, anh Khải nằng nặc ở lại nhà vợ cũ. Sau nhiều tháng xa nhau, chị Dương muốn để con trai đi lại trong nhà, làm quen với môi trường mới nhưng anh Khải giằng lại con, cho rằng "con rất sợ mẹ, phải để cha bế cháu mới ngoan".
Mâu thuẫn xảy ra, hai bên bắt đầu lớn tiếng về việc ai nên bế con. Cháu bé nằm trong tay mẹ nhưng vì thấy người lớn cự cãi nên sợ hãi, khóc lớn.
Bất lực khi không thể tìm tiếng nói chung, mọi người gọi điện "cầu cứu" ông Nguyễn Mạnh Hiếu. Khoảng 15 phút sau, vị Phó chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh quay lại nhà chị Dương để giải quyết.
Tại đây, ông Hiếu hết lời khuyên nhủ, vận động anh Khải về nhà, hôm sau bình tĩnh rồi đến thăm con. Thế nhưng, anh Khải cương quyết từ chối. "Tôi có quyền thăm nuôi con. Pháp luật đã cho phép, giờ tôi sẽ ở luôn đây để theo dõi, không ai được cấm cản", người cha nói, đồng thời tuyên bố sẽ nghỉ việc, thuê nhà bên cạnh để giám sát vợ cũ nuôi con.
Cuộc nói chuyện đang diễn ra, anh Khải chạy lên tầng 2, đập cửa đòi vợ cũ mang con xuống nhà để mọi người nhìn thấy. Khi chị Dương bước ra, anh Khải liền giằng con từ tay vợ cũ, hai bên tiếp tục xảy ra cự cãi.
Bốn cán bộ công an phải cùng hỗ trợ để cháu bé được an toàn. Anh Khải vẫn ôm chặt con, luôn miệng khẳng định quyền thăm nom của mình, khiến cháu bé la khóc vì sợ hãi.
Sau ít phút, chị Dương đành bế con chạy theo lối cửa sau. Với đôi chân trần, người phụ nữ chỉ kịp cùng con lao lên chiếc xe ô tô gần đó, tới lánh tạm tại nhà người quen.
Trước cửa, dù cán bộ phường, công an và cả người dân trong khu phố hết lời khuyên bảo, anh Khải vẫn nhất mực lớn tiếng đòi con, không chịu ra về.
Đến tối cùng ngày, chị Dương cho biết vẫn chưa dám đưa con về vì sợ chồng cũ sẽ mang con đi rồi ngăn cản không cho chị được gặp con như trước đây.
Bình luận (0)