Giáo dục Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ phải xứng với vùng 'mặt tiền' quốc gia

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
14/07/2023 13:30 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là 'mặt tiền' của quốc gia, 'khúc ruột' của Tổ quốc, là 'cửa ngõ' ra biển cả, 'bệ đỡ' cho các tỉnh Tây nguyên… nhưng vẫn còn những hạn chế cần phải nhận diện.

Ngày 14.7, Bộ GD-ĐT và tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

GD-ĐT vùng bắc trung bộ và duyên hải trung bộ phải xứng là 'mặt tiền' Quốc gia - Ảnh 1.

Hội nghị thu hút khoảng 300 đại biểu tham dự

NGUYỄN PHÚC

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; lãnh đạo các bộ ngành T.Ư, các tỉnh thành, sở GD-ĐT trong khu vực; Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng của 32 cơ sở giáo dục đại học trong vùng.

Nhận diện "bức tranh" GD-ĐT Bắc Trung bộ và duyên hải Trung b

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hội nghị lần này là sự kiện tiếp nối cho 5 hội nghị trước đó tại 5 vùng kinh tế xã hội (vùng trung du và miền núi Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây nguyên, vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Hồng) nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển GD-ĐT của vùng.

Qua đó, góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

GD-ĐT vùng bắc trung bộ và duyên hải trung bộ phải xứng là 'mặt tiền' Quốc gia - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có nhiều tiềm năng nhưng gặp nhiều khó khăn trong phát triển GD-ĐT

NGUYỄN PHÚC

Theo ông Sơn, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Theo ông, đây là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc, là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. 

Đây cũng là vùng có quy mô diện tích lớn nhất cả nước, chiếm 28,93% diện tích cả nước, với hơn 50 dân tộc anh em cùng sinh sống.

GD-ĐT vùng bắc trung bộ và duyên hải trung bộ phải xứng là 'mặt tiền' Quốc gia - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (giữa) trao đổi thêm với các đại biểu bên lề hội nghị.

NGUYỄN PHÚC

Mặc dù vậy, GD-ĐT của vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhiều chỉ số về phát triển còn thấp hơn mức trung bình của cả nước; chất lượng GD-ĐT chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng… 

Những thách thức, khó khăn khác cũng cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới. Do vậy, ông Sơn muốn hội nghị lần này Bộ GD-ĐT sẽ cùng với các địa phương thảo luận, nhận diện "bức tranh" giáo dục của vùng.

Những con số đáng chú ý

Trong báo cáo về tình hình phát triển GD-ĐT vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ giai đoạn 2011 - 2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết toàn vùng có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; có 138.270 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập.

Trong đó, có 117.397 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ kiên cố hóa 84,9% (thấp hơn 0,5% so với bình quân chung của cả nước). Có 258.255 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên; có 44 trường đại học, với 28 trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT và chuẩn kiểm định quốc tế.

Có 98 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 41 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế. Bình quân hằng năm, có hơn 31.000 sinh viên và hơn 2.400 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

GD-ĐT vùng bắc trung bộ và duyên hải trung bộ phải xứng là 'mặt tiền' Quốc gia - Ảnh 4.

Hội nghị nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển GD-ĐT của vùng

NGUYỄN PHÚC

Cũng theo ông Sơn, vượt qua những khó khăn thách thức, Bộ GD-ĐT mong muốn vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phấn đấu đến năm 2030, có đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, 100% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên, 60% trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, phấn đấu tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 90%, THCS khoảng 80% và THPT khoảng 60%. Nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Nha Trang để trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới; trong đó, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trở thành đại học quốc gia.

GD-ĐT vùng bắc trung bộ và duyên hải trung bộ phải xứng là 'mặt tiền' Quốc gia - Ảnh 5.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, phát biểu tại hội nghị

NGUYỄN PHÚC

GD-ĐT vùng bắc trung bộ và duyên hải trung bộ phải xứng là 'mặt tiền' Quốc gia - Ảnh 6.

Các đại biểu lắng nghe các tham luận

NGUYỄN PHÚC

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe nhiều tham luận của lãnh đạo các địa phương, hiệu trưởng các trường đại học Đà Nẵng, Vinh, Duy Tân… Nhiều tham luận mong muốn đẩy mạnh GD-ĐT của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.