Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước) và một số trường ĐH trong vùng.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Đông Nam bộ là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Đông Nam bộ cũng là vùng có mật độ dân cư cao nhất cả nước và có tỷ lệ tăng dân số, tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước… nơi có tỷ lệ đô thị hóa đứng thứ hai cả nước.
Ông Sơn cho hay, thời gian qua, giáo dục và đào tạo của vùng Đông Nam bộ đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp; tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh tại địa bàn tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều hạn chế…
Dân số cơ học tăng cao
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã dần khẳng định chất lượng đào tạo trong hệ thống giáo dục và đào tạo cả nước, tiêu biểu là kết quả thi tốt nghiệp THPT các năm qua đều đứng thứ hạng cao, nằm trong tốp đầu cả nước, chất lượng giáo dục các cấp học không ngừng nâng cao thành tích; tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 100%.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng dân số cơ học hàng năm của Bình Dương cao, hiện có hơn 53,5% trên tổng số khoảng gần 2,8 triệu dân của tỉnh là người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc, học tập chủ yếu tập trung ở các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp và có tốc độ đô thị hóa cao. Điều này đã tạo nên áp lực trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự và khả năng giải quyết các vấn đề của xã hội.
Đặc biệt trong công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục, ông Minh cho biết nhiều đơn vị, trường học ở Bình Dương có sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với quy định; nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học và tình trạng thiếu giáo viên...
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng nêu thực trạng tỉnh này có sự gia tăng dân số cơ học lớn, nhanh nhất ở các khu vực, tạo áp lực cho tỉnh và ngành giáo dục.
Bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, kiến nghị bổ sung cho Bình Phước gần 1.500 biên chế giáo viên để bố trí cho các trường và không thực hiện tinh giản biên chế theo hình thức cào bằng. Bà Minh cũng đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ Bình Phước bổ sung nguồn vốn, các nguồn lực để nâng cao cơ sở vật chất, trường lớp đồng thời có chế độ ưu tiên đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong việc sử dụng sách giáo khoa mới.
Đổi mới căn bản và toàn diện
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hiện nay đã có chủ trương phát triển giáo dục và đào tạo của TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo chuẩn hóa, số hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; phát triển giáo dục gắn với phát triển khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học quá nhanh. Nhu cầu và nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn, là một thách thức lớn, do đó giáo dục và đào tạo cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Vinh đề nghị Chính phủ, các địa phương cần có cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp…
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận những kết quả trong lĩnh vực giáo dục đào tạo các cấp học từ mầm non cho đến đại học của cả vùng Đông Nam bộ.
Ông Hà đề nghị đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ; đồng thời đề nghị các cơ quan, bộ ngành, từ T.Ư đến địa phương cần phải nghiên cứu, hội thảo... để đến cuối 2023 đưa ra được nghị quyết về đổi mới giáo dục, đào tạo cho toàn vùng Đông Nam bộ.
Bình luận