TP.HCM đề xuất lập quỹ phát triển giao thông Đông Nam bộ

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
19/03/2023 06:25 GMT+7

Đề xuất được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đưa ra tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, diễn ra tại tỉnh Bình Phước ngày 18.3.

Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ (ĐNB) gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và Long An.

Theo báo cáo, vùng ĐNB rộng 23.600 km2, với dân số hơn 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển; có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp (DN) đứng đầu cả nước; địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, TP.HCM là hạt nhân của vùng. Trong những năm qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với vùng ĐNB đã thực sự trở thành cầu nối giúp các tỉnh, thành phố liên kết, hợp tác với nhau, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương; mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM cho các địa phương trong vùng.

TP.HCM đề xuất lập quỹ phát triển giao thông Đông Nam bộ - Ảnh 1.

TP.HCM ký kết hợp tác với các tỉnh Đông Nam bộ

Hoàng Giáp

Kết nối tốt thì còn phát triển hơn nữa

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra một số vấn đề về phát triển vùng, trong đó cần xây dựng "Quỹ phát triển giao thông vùng". Ông Mãi cho biết khi TP.HCM tiếp xúc với Ngân hàng thế giới tại VN, các tổ chức quốc tế thì họ cũng rất ủng hộ có một quỹ, cơ cấu nguồn vốn, trong đó có một phần từ các nhà tài trợ quốc tế, một phần từ ngân sách T.Ư, một phần từ ngân sách địa phương và có thể huy động sự đóng góp của các nhà đầu tư trong khu vực ĐNB để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của vùng. "Giao thông kết nối tốt thì vùng ĐNB sẽ phát triển hơn nữa", ông Mãi nêu. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và Đồng Nai vì khi xây dựng được quỹ sẽ giúp cho hạ tầng giao thông của vùng ngày càng hoàn chỉnh, giúp kinh tế xã hội phát triển. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng nếu có nguồn quỹ này thì sẽ giúp vùng chủ động giải quyết nhiều vấn đề.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện TP đã chủ động xây dựng bản thỏa thuận hợp tác về 7 lĩnh vực, nội dung hợp tác với vùng ĐNB như: công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; lĩnh vực môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có những nội dung hợp tác song phương với từng tỉnh. "Ngay sau hội nghị này, TP chủ động có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan của các tỉnh trong vùng để triển khai sớm, cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan liên quan; phát huy hoạt động kết nối của các hiệp hội, DN với nhau; xây dựng cơ chế định kỳ cập nhật thông tin, tiến độ các nội dung hợp tác", ông Mãi nói.

Hợp tác chưa ngang tầm với tiềm năng

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông đánh giá cao TP.HCM đã chủ động có những hoạt động liên kết phát triển, phát huy vai trò là đầu mối kinh tế, đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐNB và cả nước. Tuy nhiên, ông Đông cũng nhận định, các kết quả hợp tác kinh tế - xã hội hiện chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; chưa hình thành được sự kết nối về chiến lược, một không gian kinh tế thống nhất. "Bộ KH-ĐT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng do một Phó thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch, điều phối vùng để liên kết trong 8 lĩnh vực quan trọng. Do vậy, đề nghị TP.HCM và các địa phương trong vùng ĐNB phối hợp tích cực với Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành T.Ư triển khai hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐNB sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Đông đề nghị.

Tại hội nghị, TP.HCM tổ chức ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các tuyến đường cao tốc; phát triển dịch vụ logistics gắn với hệ thống cảng biển; khai thác, phát triển các tuyến đường thủy nội địa; xây dựng hợp tác về công nghệ cao; các tuyến đường sắt đô thị…

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB cần tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động Nghị quyết số 24 ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 154 ngày 23.11.2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. TP.HCM cùng Bộ KH-ĐT tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện những cơ chế cho vùng ĐNB; tăng kết nối dữ liệu số để giải quyết, tháo gỡ khó khăn; thực hiện phân cấp mạnh mẽ tại địa phương để các tỉnh, thành phố có thể triển khai một cách chủ động, hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.