Đó là chia sẻ của Phó bí thư Thường trực Thành ủy-Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi liên quan đến chính sách tín dụng sinh viên trong Hội nghị sơ kết 1 năm chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025 giữa ĐH Quốc gia TP.HCM và UBND TP.HCM, chiều 15.3.
Trong 8 nội dung chính được thảo luận tại buổi làm việc, đáng chú ý là hợp tác về xây dựng chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện ĐH này đã gửi công văn kèm theo dự thảo đề án và đã nhận được ý kiến góp ý của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông Quân cho biết dự kiến trong năm 2023, đây là một trong những nội dung trọng tâm sẽ làm.
Theo đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM trong văn bản ngày 6.3 gửi UBND TP.HCM có 3 nội dung chính. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ thực hiện cho vay đối với sinh viên thuộc đối tượng thụ hưởng của Chính phủ. Sinh viên ở tỉnh, thành phố khác học tại ĐH Quốc gia TP.HCM thì liên hệ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương để vay vốn. Trường hợp không thuộc đối tượng thụ hưởng theo quy định của Chính phủ, đề nghị giao Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương thực hiện. Chính sách bảo lãnh cho sinh viên vay vốn thông qua VNU-F đề nghị UBND TP.HCM giao ĐH Quốc gia TP.HCM làm việc với các bên liên quan.
Có cơ chế cho sinh viên không đủ khả năng hoàn trả tiền đã vay
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết cá nhân ông rất ủng hộ chính sách tín dụng sinh viên. "Trên thế giới các nước phát triển tín dụng sinh viên đều quan trọng và họ chấp nhập rủi ro. Việc đầu tư cho sinh viên trở thành các chuyên gia, nhà khoa học, công chức tốt thì rủi ro có thể xảy ra nhưng tính tổng lợi ích mang lại thì rất lớn", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Ông Đức đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội, ĐH Quốc gia TP.HCM nghiên cứu cơ chế chính sách có vận dụng tối đa quyền hạn, cơ chế đặc thù mà TP.HCM đang tập trung xin được thực hiện cho công tác này. Theo ông Đức: "Làm sao để có thể cho phép những trường hợp sinh viên không đủ khả năng hoàn trả tiền đã vay chứ không đơn giản chỉ hỗ trợ lãi suất".
"Có một nguyên tắc nữa rất nên áp dụng là theo dõi các sinh viên này từ khi theo học, ra trường đến khi đi làm và thu nhập. Ví dụ như nước Mỹ, sinh viên phải trả lại tiền vay khi thực sự có nguồn thu nhập và có tỷ lệ nhất định trả trực tiếp cho ngân sách thông qua trả lương của công ty. Những trường hợp xóa nợ phải có những căn cứ rõ ràng, những trường hợp kiếm ra tiền nhưng không chịu trả thì phải có biện pháp cưỡng chế", ông Đức nhấn mạnh.
Sinh viên đến học tại TP.HCM có nhu cầu được vay vốn tín dụng sẽ trả sau khi có việc làm, có thu nhập
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM luôn coi ĐH Quốc gia TP.HCM là một phần 'hữu cơ' không thể tách rời và ghi nhận những đóng góp của ĐH này cho sự phát triển của thành phố. Trong số 8 nội dung hợp tác, ông cho biết sẽ chủ trì để đề án tín dụng sinh viên nhanh chóng có thể áp dụng ngay trong năm nay.
Ông Mãi nhấn mạnh: "Chúng ta phải xây dựng chương trình tín dụng sinh viên lớn hơn, quy mô hơn". Ông đề nghị các sinh viên đến học tại TP.HCM có nhu cầu được vay vốn tín dụng sẽ trả sau khi có việc làm, có thu nhập; các trường ĐH phải xác nhận nhu cầu và bảo lãnh việc vay đó. Cơ sở để bảo lãnh là lập một quỹ để trả trong những trường hợp không thu được; hỗ trợ lãi suất nếu có. Ví dụ, ông Mãi nói thêm: "Theo mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội là 6%/năm, chúng ta có thể hỗ trợ khoảng nửa số này thì sinh viên chỉ trả 3%. Quỹ này dùng để bù rủi ro và hỗ trợ lãi suất khi cần. Quỹ này từ đâu có, chúng ta sẽ tổ chức vận động… Không chỉ Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng và mạnh thường quân khác, các trường ĐH… cùng tham gia".
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: "Chương trình tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo vay, tỷ lệ rủi ro không tới 2%. Cớ gì chúng ta lại không tin tưởng những người học cử nhân ra, có tự trọng, có thể diện, có điều kiện tiếp cận với việc làm có thu nhập? Chúng ta phải có niềm tin về việc này".
"Chúng ta sẽ nhắm tới mục tiêu hàng chục ngàn sinh viên được tiếp cận chương trình tín dụng chứ không phải chỉ năm ba ngàn. Trong khi sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã là 95.000, chúng ta chỉ thiết kế được mấy ngàn thì không đáp ứng được yêu cầu", ông Mãi nói.
Buổi làm việc còn thảo luận các nội dung như: Xây dựng và triển khai Đề án "Bồi dưỡng cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của TP.HCM"; ĐH Quốc gia TP.HCM tham gia các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của thành phố; Cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM; Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên, học sinh TP.HCM; Hỗ trợ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thuộc Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM trên địa bàn TP.Thủ Đức; Hỗ trợ cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất của Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đã được trưng dụng làm điểm cách ly trong giai đoạn bùng phát Covid-19; Đề án Quản lý và sử dụng tài sản công cũng là những nội dung thảo luận trong buổi làm việc.
Bình luận (0)