Giáo dục bắt đầu từ những điều thực tiễn nhất

TS Huỳnh Văn Thông
TS Huỳnh Văn Thông
01/09/2023 17:57 GMT+7

Chuyện giáo dục con trẻ có ở đâu xa xôi trong sách vở, mà có ở ngay trong lối hành xử của những người làm cha làm mẹ, có trong từng diễn tiến của cuộc sống xung quanh bọn trẻ.

TỪ CỔNG TRƯỜNG TRUNG HỌC…

Có lần chở con đến trường buổi sáng, tôi chứng kiến chuyện chẳng thể nào quên. Một cô bé học trò ngồi sau xe máy của mẹ, đồng phục chỉnh tề, thắt khăn quàng đỏ, tay cầm hộp sữa tươi tu một hơi rồi thả cái vỏ hộp xuống đất, ngay trước cổng trường.

Bắt đầu từ những điều thực tiễn nhất  - Ảnh 1.

Trẻ em thâu nhận bài học về gìn giữ môi trường, về lịch sự, và nhân ái, trước hết từ chính cha mẹ, những người lớn gần gũi với chúng nhất

Shutterstock

Bên trên cổng là cái biển to tướng ghi dòng khẩu hiệu "Cổng trường em xanh, sạch, đẹp và an toàn". Tôi nhắc cháu nên nhặt lên và bỏ vào thùng rác. Cô bé nhìn tôi trân trân, tỏ vẻ ngạc nhiên vì tự dưng có ông người lạ nhiều chuyện, nhưng vẫn cúi xuống nhặt vỏ hộp. Tôi phóng xe rời đi cho kịp giờ làm, nhưng qua gương chiếu hậu tôi thấy cô bé lại thả cái vỏ hộp xuống đất sau khi người mẹ nói điều gì đấy. Tôi không rõ người mẹ ấy nói gì với con mình, nhưng tôi dám chắc không phải là lời răn dạy nên nói với con cái.

Một lần khác, cũng ở cổng trường, tôi chứng kiến cảnh một cậu học trò ngồi sau xe máy bố chở, vừa mới xuống xe thì bị một xe máy khác phía sau trờ tới tông ngã. Cầm lái chiếc xe máy tông ngã cậu học trò là một chị cũng chở con đi học. Cậu bé bị ngã chưa kịp hoàn hồn thì bị người phụ nữ mắng xối xả, rằng tại sao xuống xe mà không chịu ngó xe phía sau. Tôi ngạc nhiên thấy người phụ nữ ấy chẳng mảy may quan tâm đến tình trạng của cậu bé sau cú ngã do chị tông, còn con gái chị ngồi sau xe cũng trơ mắt nhìn không có cảm xúc.

Rất may là cậu bé chỉ ngã thôi chứ không hề hấn gì. Người bố điềm tĩnh bảo con trai kiểm tra lại xem có bị xây xước gì không, rồi ra hiệu xua 2 đứa trẻ nhanh nhanh vào trường. Lúc 2 đứa nhỏ rời đi rồi, người bố mới quay lại nói với người phụ nữ rằng chị đã hành xử đáng xấu hổ trước mặt bọn trẻ, đặc biệt là trước mặt con chị… Tôi khâm phục sự điềm tĩnh của người bố đó, và còn khâm phục hơn khi nghe anh ấy nói tiếp, rằng khi nãy anh rất bực nhưng không muốn to tiếng vì như thế sẽ làm bẽ mặt chị ấy trước đứa con gái.

Ở cổng trường, còn nhiều chuyện rất đáng suy ngẫm về cách mà người lớn tác động vào con trẻ. Đó có thể là chuyện phụ huynh la mắng con mình to tiếng ngay trước cổng trường. Đó có thể là chuyện những người mẹ yêu cầu con trai phải hôn lên má mình như một nghi thức chào mẹ trước khi vào trường mà không cần quan tâm đến cảm giác ngượng ngùng của đứa trẻ. Đó có thể là chuyện những ông bố chở con đi học, và hôm nào cũng móc ví đưa cho con tờ tiền trăm nghìn như một thể hiện yêu con kiểu "bố chơi sộp"…

Những chuyện như thế có bao giờ được đặt vào sự cân nhắc về giáo dục của các vị phụ huynh?

Chuyện giáo dục con trẻ có ở đâu xa xôi trong sách vở, mà có ở ngay trong lối hành xử của những người làm cha làm mẹ, có trong từng diễn tiến của cuộc sống xung quanh bọn trẻ. Chúng lớn lên có học được bài học về lịch sự, về điềm tĩnh, về nhân ái, về bao dung hay không thì chẳng đợi đến trang sách bài giảng của thầy cô ở trường. Bọn trẻ học nhiều điều nhất từ người lớn gần với chúng nhất.

Bắt đầu từ những điều thực tiễn nhất  - Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH Văn Lang tham quan, trải nghiệm thực tế tại tòa soạn Báo Thanh Niên

NGÔ CHIÊU

CHUYỆN Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Tôi không ít lần… tranh luận với đồng nghiệp ở trường đại học về chuyện khoa phải lo tìm chỗ thực tập cho sinh viên hay để họ tự tìm kiếm và tiếp cận cơ quan thực tập. Không ít đồng nghiệp của tôi vẫn coi rằng lo chỗ thực tập cho sinh viên là điều khoa không thể không làm nếu muốn thể hiện trách nhiệm đầy đủ với học trò.

Tôi nằm trong số những người không ủng hộ quan điểm đó. Không có nghĩa là chúng tôi không muốn giúp sinh viên trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập, nhưng chúng tôi cho rằng sinh viên cần phải chủ động và tự mình lo việc đó. Và nếu việc đó không dễ dàng thì lại càng là điều rất nên yêu cầu sinh viên phải tự mình thực hiện cho bằng được. Tôi cũng không cho phép mình làm cái việc là "dẫn" sinh viên đến cơ quan thực tập.

Dặn dò sinh viên trước khi đi thực tập, tôi cũng dặn là khi nào có việc thật sự bế tắc thì hẵng nghĩ đến chuyện tham vấn ý kiến của thầy, đừng cứ có chút chuyện vặt gì đấy là bốc điện thoại, nhắn email, gửi tin nhắn cầu cứu thầy cô. Học trò có tủi thân thì tôi cũng lờ đi. Tôi hiểu giá trị của việc gây áp lực để các bạn trẻ trưởng thành và học cách tự giải quyết các vấn đề mình gặp phải.

Giáo dục bắt đầu từ những điều thực tiễn nhất - Ảnh 3.

Sinh viên tìm kiếm công việc tại các ngày hội việc làm

HOÀNG THANH

Ở nhiều nơi trên thế giới, triết lý giáo dục của người lớn với con trẻ rất rõ ràng, rằng phải để, phải yêu cầu, phải tạo cơ hội cho bọn trẻ "tự mình" trong nhiều việc. Học trò tiểu học ở trường đã phải rèn nền nếp tự phục vụ trong giờ ăn. Làm gì có chuyện sinh viên đại học rồi mà còn ngồi chờ sung rụng, chờ thầy cô thu xếp cho mình chỗ thực tập. Cứ phải như nhiều trường đại học ở Mỹ chẳng hạn, sinh viên phải tự mình tìm kiếm cơ hội thực tập để được ghi một dòng chứng minh năng lực vào hồ sơ xin việc khi ra trường.

Tôi có đứa cháu sinh viên đại học ngành công nghệ thông tin ở Pháp, được yêu cầu tự mình trải nghiệm thực tập ở một nước đang phát triển. Ban đầu cậu ấy nhờ tôi hỗ trợ tìm công ty để về Việt Nam thực tập. Nhưng sau cậu ấy được thầy cô khuyến nghị nên chọn một đất nước khác không phải là quê mẹ để thể nghiệm bản thân. Cuối cùng điểm đến là Myanmar.

Thú thực là tôi không tránh khỏi thất vọng khi thấy những từ ngữ như "an nhiên" thâm nhập ngôn từ của các sinh viên trẻ tuổi như một xu hướng (trend) về nhân sinh quan. Sao còn trẻ mà đã vội tính chuyện an nhiên? Thế thì khát vọng, thế thì chí tiến thủ, sự can đảm dấn thân sẽ ở đâu trong nhân sinh quan của họ?

Rồi những từ ngữ trend khác như "chữa lành"... Sao tuổi trẻ không cho phép mình dấn thân vào thử thách đến mức có thể khiến mình thất bại, nhưng thất bại là để trưởng thành hơn chứ không phải là để tổn thương đến mức phải loay hoay tìm cách chữa lành? Thậm chí, thầy cô đại học chúng tôi có những cuộc họp phải lạm bàn chuyện "chữa lành" cho các bạn trẻ.

Giáo dục đại học phải thật sự đặt trọng tâm vào các bạn trẻ, hiểu theo nghĩa là cho phép họ có nhiều cơ hội, nhiều không gian, nhiều tình huống, nhiều thử thách quyết liệt hơn để thể nghiệm bản thân và tự mình trưởng thành, biết theo đuổi những khát vọng lớn hơn nhờ đã có trải nghiệm theo đuổi, thực hiện và trả giá cho những khát vọng nho nhỏ của bản thân mỗi ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.