Giáo dục giới tính còn theo kiểu hô hào

Lê Thanh
Lê Thanh
06/04/2019 07:54 GMT+7

Theo thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường học cũng như gia đình chưa làm tốt giáo dục giới tính và chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh.

Theo thạc sĩ Minh Huân, chúng ta đặt vấn đề về việc giáo dục giới tính nói chung và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng nhưng một bộ phận nhà giáo vẫn đang triển khai theo kiểu hô hào, giải quyết phần ngọn mà vô tình hoặc cố ý quên đi phần gốc rễ của vấn đề.
“Đó là giáo dục con người cần bắt đầu từ việc đánh thức lương tri, trái tim thánh thiện từ bên trong, những chất liệu quy định nhận thức, suy nghĩ và hành vi một cá nhân”, thạc sĩ Minh Huân nói.
[VIDEO] Vụ dâm ô bé gái trong thang máy: VKS có quyền khởi tố nếu CQĐT không khởi tố

Quý trọng thân thể mình và người khác

Thạc sĩ Minh Huân chia sẻ: “Thông thường, trong các tiết dạy về phòng chống xâm hại tình dục, tôi luôn cố gắng dạy học sinh về việc quý trọng thân thể của chính mình và cả của người khác, thức tỉnh tình yêu thương giữa mình với mọi người. Xuất phát từ đó, các em mới ý thức rằng không những mình phải bảo vệ mình mà còn phải bảo vệ người khác, trước nhất là người thân, bạn bè xung quanh và sau đó đến những đối tượng cần mình giúp đỡ. Các nước tiên tiến như Mỹ, trong các chương trình giáo dục giới tính cho học sinh, người ta còn lồng ghép cả nội dung giáo dục tính người vào một cách rất hiệu quả như biết quý trọng mạng sống và yêu quý người khác giới…”.
Chính vì vậy, thạc sĩ Minh Huân cho rằng đã đến lúc những nhà giáo dục, người lớn cần quan tâm hơn, cần tự ý thức và mạnh dạn tiên phong trong việc giáo dục con trẻ, khởi đầu từ “học lễ” rồi mới đến “dạy văn”, phải đi theo tuần tự “dạy người” rồi mới “dạy chữ” như ông bà ta đã từng làm.
Khi đứa trẻ được tác động về mặt giá trị làm người, quý trọng những gì làm ra, quý trọng công sức của chính mình, người khác, quý trọng cả thân thể mình và biết bảo vệ nó, cũng như làm điều đó với người khác thì việc dạy chữ mới có hiệu quả, gốc rễ có vững chắc thì mới nảy cành, đâm chồi, mọc lá mà trưởng thành.

Đừng xem sờ, chạm, bấu, véo là trò nghịch

Tính ra, nếu đúng như những gì thầy dạy thì có lẽ ở nhà mình có nhiều người đang thản nhiên xâm hại người khác mà ai cũng nghĩ là bình thường

Một phụ huynh (theo lời của thạc sĩ Lê Minh Huân)

Theo thạc sĩ Minh Huân, trong gia đình, nếu người ta cổ súy chuyện người lớn, kẻ nhỏ sờ, chạm, bấu, véo các bộ phận riêng tư, vùng kín trên cơ thể nhau thì họ cũng không tỏ ra bất đồng với những hành vi, lời nói “xâm phạm” đến người khác. Trong trường học cũng thường xem đó là chuyện nghịch của cá nhân nào đó, có phạt cũng là phạt cho có mà không giải thích hoặc tỏ ra quyết liệt để loại trừ hành vi này. Lớn lên, khi ai đụng hoặc đụng ai, hầu hết những trẻ xuất phát từ môi trường giáo dục như vậy đều thản nhiên nghĩ là bình thường. Từ chỗ bình thường đó mà dẫn đến ý nghĩ, hành vi xâm hại tình dục người khác.
Trong quá trình giảng dạy, thạc sĩ Minh Huân nhớ lại: “Nhiều lần tôi nghe phụ huynh thủ thỉ: “Tính ra, nếu đúng như những gì thầy dạy thì có lẽ ở nhà mình có nhiều người đang thản nhiên xâm hại người khác mà ai cũng nghĩ là bình thường”. Thực tế là có quá nhiều người thừa nhận như vậy. Chỉ đến khi mọi chuyện không còn cứu vãn nữa hay để lại hậu quả nặng nề cho cả thể chất và tâm lý của trẻ thì người ta mới tỉnh thức, mới quáng quàng tìm hiểu và tìm cách cứu vãn”.
Đúc kết vấn đề, thạc sĩ Minh Huân cho rằng: “Việc tác động trước tiên đến nhận thức, lương tâm của một cá nhân, nhóm xã hội là vô cùng quan trọng. Suy nghĩ tốt, tích cực sẽ quyết định hành vi tích cực, lương thiện và ngược lại. Khi người ta được dạy rằng không bao giờ được phép xâm hại, hiếp dâm… người khác vì đó là điều tội lỗi, vi phạm luật pháp thì tin rằng tỷ lệ trẻ bị xâm hại, người bị hiếp dâm sẽ giảm đáng kể, chuyện xem hành vi xâm hại là bình thường sẽ không còn phổ biến nữa”.
Ngoài môi trường giáo dục trong gia đình và nhà trường, thạc sĩ Minh Huân cho rằng việc thường xuyên xảy ra những vụ xâm hại tình dục là do hệ thống luật pháp của ta vẫn chưa thật sự đủ sức răn đe, chưa thật sự chặt chẽ để trừng trị thích đáng những kẻ xâm hại. Còn người bị xâm hại cứ chịu thiệt thòi, mang trong mình những vết thương không bao giờ lành nếu chẳng may không đủ điều kiện, chứng cứ để được pháp luật bảo vệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.