Giáo dục mầm non, mẫu giáo ở ĐBSCL: 3 Bộ cần... ngồi lại

26/09/2015 07:24 GMT+7

Dù đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên trong thời gian qua nhưng giáo dục ở ĐBSCL vẫn chưa thể thoát khỏi “vùng trũng” và chưa có lối ra.

Dù đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên trong thời gian qua nhưng giáo dục ở ĐBSCL vẫn chưa thể thoát khỏi “vùng trũng” và chưa có lối ra.

Cô trò một trường mầm non ở huyện An Phú, An Giang - Ảnh: Đình TuyểnCô trò một trường mầm non ở huyện An Phú, An Giang - Ảnh: Đình Tuyển
Ngày 25.9, tại TP.Cần Thơ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự hội nghị tổng kết 5 năm phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL năm 2011 - 2015. Hội nghị do Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức.
Cả giáo viên và trường lớp đều thiếu
Một trong những vấn đề nóng của hội nghị này là tình trạng khó khăn của bậc học mầm non trong quá trình thực hiện theo đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Thiếu cỡ nào cũng ráng đắp đổi, mượn tạm được nhưng thiếu giáo viên thì quá khó... Muốn phổ cập thì phải huy động mà huy động các cháu ra lớp thì phải có người dạy

Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết có 2 vấn đề nan giải của tỉnh mà bao lâu nay không thể giải quyết xong là cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Hiện tại, toàn tỉnh Kiên Giang có 119 trường mầm non thì có đến 681 điểm trường, phân tán khắp nơi. Tính ra, bình quân mỗi trường có 5 điểm nhỏ, cá biệt có trường đến 12 điểm, trong đó điểm học chỉ một lớp chừng mười mấy học sinh. “Nhiều vùng dân cư thưa thớt, nhà các cháu ở rải rác khắp nơi, việc huy động các cháu ra lớp rất vất vả. Chưa kể, việc cho các cháu học 2 buổi/ngày cũng khiến phụ huynh rất vất vả, chờ đợi, đưa đón”, bà Giang nói.
Cũng theo bà Giang, toàn tỉnh Kiên Giang hiện còn trên 400 phòng học tạm, học nhờ; để giải quyết khó khăn về trường, lớp, tỉnh này phải xây dựng trên 500 phòng học. Điểm khó khăn kế tiếp, theo bà Giang là thiếu giáo viên trầm trọng. “Toàn tỉnh thiếu trên 800 giáo viên mầm non nhưng biên chế lại không được phép tăng thêm”, bà Giang nói.
Những khó khăn ở tỉnh Kiên Giang cũng chính là tình trạng chung của bậc học mầm non ở các địa phương khác tại ĐBSCL.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện cả vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.608 phòng học nhờ, mượn; thậm chí mượn đất của nhà dân để mở; thiết bị đào tạo thì chậm được đầu tư, đổi mới... Tình trạng trường học không có nhà vệ sinh vẫn phổ biến. Ông Võ Minh Chiến, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nói: “Cả vùng ĐBSCL hiện nay còn đến 200 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo; trong đó thiếu nhiều nhất là ở Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang...”.
Tuy nhiên, bà Giang cho rằng: “Thiếu cỡ nào cũng ráng đắp đổi, mượn tạm được nhưng thiếu giáo viên thì quá khó... Muốn phổ cập thì phải huy động mà huy động các cháu ra lớp thì phải có người dạy”.
Cái “trần” rất kẹt cho nhiều địa phương
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết phải nhìn nhận trên nhiều phương diện, ĐBSCL vẫn là vùng trũng dù đã bớt trũng hơn trước. Để giải quyết được khó khăn của giáo dục ĐBSCL phải có cơ chế và kinh phí. “Bây giờ có thể khẳng định, cái khó nhất ở khu vực này là mầm non, mẫu giáo. Chính vì vậy cần phải có chính sách ưu tiên đặc thù để giải quyết khó khăn này”, ông nói.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng lưu ý trong 5 năm tới, chắc chắn sẽ không thể có những khoản tiền lớn để thực hiện. Chính vì thế phải vận dụng các chương trình khác như chương trình xây dựng nông thôn mới. “Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ NN-PTNT cần ngồi lại và bàn nhau sau đó để làm sao có thể vận dụng nguồn lực tài chính hợp lý cho các trường học; trong đó ưu tiên cho mầm non vì bậc học mầm non là đặc thù của đặc thù”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Riêng việc tuyển dụng thêm biên chế, theo Phó thủ tướng, cơ bản là không tăng nữa và đây chính là cái “trần” rất kẹt cho nhiều địa phương. “Tuy nhiên, địa phương cần linh hoạt có những đề xuất về nhân lực khó chỗ nào, thiếu người làm việc gì để đề xuất tránh ách tắc”, ông nói.
Phó thủ tướng cũng gợi ý một giải pháp cho khó khăn về nhân lực: “Mẫu giáo có cơ sở rồi thì giáo viên có nhất thiết phải biên chế không? Các địa phương thử tính toán phương án xây trường rồi cho tư nhân thuê trường và lo giáo viên giảng dạy. Nếu cứ xã hội hóa hết thì dân không đóng góp nổi. Còn nếu cứ bao cấp thì vừa thiếu trường, thiếu lớp vừa thiếu giáo viên mà không có đường nào giải quyết rốt ráo”.
 
Xem lại chính sách thu hút nhân lực y tế
Đào tạo y bác sĩ cũng là vấn đề nóng của giáo dục ĐBSCL. Theo Bộ Y tế, hiện tại tỷ lệ bác sĩ ở ĐBSCL còn rất thấp, bình quân chỉ đạt 4,8 bác sĩ/vạn dân, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 7,61 bác sĩ/vạn dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế, vấn đề của ĐBSCL hiện nay là phải xem lại chính sách thu hút nhân lực y tế của các địa phương chứ nguồn nhân lực trong tương lại sẽ không thiếu.
Ông Lợi cho rằng: “Số lượng bác sĩ, dược sĩ ra trường hằng năm lên đến hàng ngàn người, trong khi tổng số bác sĩ hiện nay ở khu vực này là gần 10.000. Bộ Y tế nhận thấy nguồn cung cấp nhân lực y tế cho khu vực này không thiếu. Điều quan trọng có thể tăng bác sĩ, dược sĩ ở khu vực này là có chính sách phù hợp trong tuyển dụng và sử dụng nhân lực y tế để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc”. Điều này cũng thể hiện qua tỷ lệ phân bổ bác sĩ ở ĐBSCL, trong khi các tỉnh khác chưa được 5 bác sĩ/vạn dân thì tại Cần Thơ với môi trường làm việc tốt hơn đạt 9 bác sĩ/vạn dân, cao hơn bình quân cả nước.
Cũng theo báo cáo tại hội nghị, hiện tại, ĐBSCL có 18 trường đào tạo nhân lực y tế bậc trung cấp; 9 trường đào tạo bậc cao đẳng; 5 trường đào tạo bậc đại học. Hằng năm khu vực này có thêm khoảng 1.000 bác sĩ, dược sĩ ra trường...
 
Đại học “vệ tinh” thay cho thành lập đại học mới ?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương ĐBSCL xin mở thêm trường đại học trong khi các trường hiện nay tuyển sinh không đủ. “Bệnh viện đã có mô hình bệnh viện vệ tinh thì xem xét có làm được trường đại học vệ tinh hay không. Bởi thực tế có những trường ở địa phương nếu thành lập riêng sẽ không hút được thí sinh so với làm phân hiệu của một trường danh tiếng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH thống nhất việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề cấp huyện, thị ở các địa phương hợp nhất là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - thường xuyên. Trung tâm này trực thuộc UBND các huyện, thị; giám đốc trung tâm phải có trình độ đại học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.