Tại TP.HCM, vào đầu năm học vẫn còn tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Bên cạnh những trường phụ huynh cứ đổ xô cho con vào học bất chấp sĩ số lên cao ngùn ngụt, vẫn có trường năn nỉ mãi chẳng ai chịu vào.
Hằng ngày học sinh của Trường tiểu học Vạn Tường sinh hoạt trong lớp học chỉ có 27 m2 - Ảnh: Hải Dương
|
Trong khi lãnh đạo Trường tiểu học Rạch Ông (Q.8) cho biết sĩ số lớp 1 của trường năm nay dao động trong khoảng 55 học sinh (HS)/lớp thì ở Trường tiểu học Lý Thái Tổ tình trạng ngược lại, phụ huynh nào cũng e ngại.
Dù cùng nằm ở P.12, Q.Phú Nhuận nhưng Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính có cơ sở khang trang, thoáng mát, là niềm mơ ước của phụ huynh trong toàn quận thì ở Trường tiểu học Vạn Tường phụ huynh tìm mọi cách, tận dụng mọi mối quan hệ để xin cho con học trường khác. Năm nay, Phòng Giáo dục Q.Phú Nhuận giao chỉ tiêu cho Trường tiểu học Vạn Tường tuyển 104 HS nhưng khi năm học mới bắt đầu trường chỉ nhận được 64 HS. Nhưng ông Cún Thế Quốc, Hiệu trưởng nhà trường vẫn chưa “chắc ăn” vì nhiều khi vào học, HS lại xin chuyển qua trường khác.
Bi đát hơn là Trường tiểu học Điện Biên (Q.10), nằm ngay trong hẻm của trục đường chính Điện Biên Phủ nhưng số hồ sơ nộp vào trường chưa đủ biên chế một lớp theo đúng quy định về sĩ số trong điều lệ trường tiểu học của Bộ GD-ĐT (35 HS/lớp). Ông Nguyễn Hoàng Triều, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Theo kế hoạch của quận, trường tuyển 3 lớp 1, tức khoảng hơn 100 HS cho năm học mới, nhưng kết thúc thời gian nộp hồ sơ chỉ có 31 HS”. Vị hiệu trưởng này cho biết đây là con số khả quan nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tình trạng này cũng xảy ra với Trường tiểu học Tầm Vu (Q.Bình Thạnh), Trần Quang Khải (Q.1)...
Trường tiểu học Vạn Tường có 2 cơ sở nhưng đều được tận dụng lại từ các công trình không có chức năng làm trường học từ cách đây hơn 40 năm.
Theo quy định của Bộ, mỗi phòng học rộng 48 m2 nhưng tại cơ sở 1 của trường trên đường Hồ Biểu Chánh có 8 phòng, diện tích mỗi phòng 27 m2. Ở cơ sở 2, mỗi phòng rộng khoảng 40 m2. Với khoảnh sân 150 m2 ở cơ sở 1, HS chỉ có thể “rón rén” trong giờ ra chơi. Ở cơ sở 2 còn không có sân. Hơn 20 năm nay, HS của trường chưa bao giờ được học vi tính vì trường nằm trong diện quy hoạch nên không được đầu tư.
Trường Điện Biên (Q.10) cũng được tận dụng từ cơ sở sẵn có nên thiết kế phòng học không đúng quy cách. Cũng vì nằm trong dự án xây dựng trường mới được quy hoạch từ cách đây gần... 12 năm nên ngân sách giáo dục địa phương không đầu tư hạng mục phòng vi tính, thư viện... Bằng mối quan hệ của hiệu trưởng qua 2 thời kỳ, sự quan tâm của các mạnh thường quân và hỗ trợ của chính những giáo viên nghỉ hưu, năm học vừa rồi lứa HS đầu tiên của trường này mới được tiếp xúc với máy tính. Ông Nguyễn Hoàng Triều, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Trường sắm được 8 bộ máy tính nên sắp xếp thời khóa biểu phù hợp để HS nào cũng được học. Nhìn thấy các em nấn ná không chịu rời máy, thấy thương vô cùng”.
Từng là quản lý một trường có tiếng tại Q.10, nơi mà phụ huynh nào cũng muốn cho con vào học nên trải qua một năm làm Hiệu trưởng Trường Điện Biên, ông Triều cho biết thấy tội nghiệp cho những thiếu thốn của HS.
Đừng mãi nằm im trên giấy
Mới đây thầy cô giáo Trường Điện Biên tràn đầy hy vọng khi được Ban Quản lý đầu tư xây dựng Q.10 chuyển hồ sơ thiết kế xây dựng trường mới với kinh phí 29 tỉ đồng với diện tích gần 1.700 m2. Tương tự, trong kỳ họp UBND Q.Phú Nhuận TPHCM vừa qua, Trường Vạn Tường đã được đưa vào kế hoạch mở rộng trường trong giai đoạn 2016-2020. Tuy vậy, một giáo viên của Trường Điện Biên nói: “Chúng tôi mong trường mới khởi công vào năm học mới theo đúng dự kiến chứ đừng nằm mãi trên giấy như hơn 10 năm qua”.
|
Bình luận (0)