Tại hội thảo diễn ra ngày 16.6 ở Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang Việt, Viện Khoa học GDNN, cho rằng chiến lược cần xây dựng bài bản, khả thi theo hướng tiếp cận thị trường lao động. Góp ý cho Tổng cục GDNN, ông Phạm Mạnh Thùy, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho rằng việc dự báo nhu cầu nhân lực rất khó, cần huy động sự tham gia tích cực của các bộ, ngành cũng như các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Đặc biệt là sự tham gia cung cấp thông tin nhu cầu nhân lực từ phía doanh nghiệp/người sử dụng lao động.
Theo PGS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, muốn chiến lược khả thi, cần xác định mình đang ở đâu, muốn đi đến đâu, đi như thế nào để đến đích? PGS Lân cảnh báo: “Hiện nay, chúng ta đang có một khoảng cách lớn về kỹ năng nghề so với các nước trong khu vực. Lao động có kỹ năng nghề thấp và trung bình của Việt Nam chiếm tới 53% lực lượng lao động, trong khi bình quân của các nước ASEAN nói chung là 40%, nhóm ASEAN-4 là 30%”.
Phát biểu tại hội thảo, GS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực thông qua việc ký kết các hiệp định FTA thế hệ mới, vì thế, GDNN 10 năm tới phát triển trong bối cảnh chúng ta phải chấp nhận luật chơi của thế giới. Bài toán về GDNN 10 năm tới không chỉ đặt ra là để giải quyết nhu cầu thị trường trong nước mà còn phải đáp ứng nhu cầu chuyển dịch lao động toàn cầu, phải đặt ra tham vọng GDNN Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu.
Bình luận (0)