Và từ sự sáp nhập đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) sẽ đổi tên thành thành Bộ KHCN và Đào tạo. Đề xuất này được đưa ra tại Hội thảo góp ý "Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026" chiều 19.2.
“Đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học nên cũng hợp lý”
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trước đây Bộ GD và Bộ ĐH tách riêng. Theo đó, Bộ GD được thành lập từ năm 1945, bao gồm ĐH, trung học, tiểu học và bình dân học vụ. Năm 1965, Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp được thành lập, tách khỏi Bộ GD. Năm 1988, Tổng cục Dạy nghề được sáp nhập vào Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp, đổi tên thành Bộ ĐH, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Đến năm 1990 Chính phủ quyết định thành lập Bộ GD-ĐT trên cơ sở sáp nhập Bộ GD, Bộ ĐH, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Bộ GD-ĐT lúc này quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục ĐH và sau ĐH. Như vậy, rất nhiều năm chúng ta có Bộ GD và Bộ ĐH riêng. Vì thế, tôi nghĩ tách Bộ GD-ĐT, chuyển nhiệm vụ đào tạo ĐH và sau ĐH về Bộ KHCN cũng được vì có sự kết nối các chuyên gia khoa học với nhau ở nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của trường ĐH”.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, PGS-TS Kim Hồng cho rằng không gắn nhiều đến nghiên cứu, mà chỉ ứng dụng và thực hành là chính, nên không cần tách từ Bộ LĐ-TB-XH sang.
Theo ý kiến cá nhân của tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đào tạo ĐH gắn với nghiên cứu và khoa học công nghệ là chính xác, phù hợp với xu hướng, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Đào tạo phải gắn với giảng dạy và nghiên cứu, từ đó vận dụng thực tiễn gần hơn, dễ hơn, không những thế, thuận lợi hơn cho các trường trong quá trình vận hành. Kể cả các trình độ đào tạo khác cũng vậy, vẫn cần phải phù hợp với thực tiễn. Mà thực tiễn chính là nền khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, nên đào tạo cũng không thể tách rời với thực tiễn này”, tiến sĩ Hạ chia sẻ thêm.
Cũng có quan điểm tương tự, tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, nhận định: “Nếu sáp nhập và đổi tên thành Bộ KHCN và Đào tạo là khá phù hợp. Trong thời đại 4.0, giáo dục nghề nghiệp cũng cần phải gắn với khoa học công nghệ mới theo kịp được thực tiễn. Giáo dục ĐH lại càng cần phải có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Bộ GD chuyên trách về mầm non đến THPT là hợp lý”.
"Không nên tách Bộ GD-ĐT"
Trái lại, nhiều ý kiến lại cho rằng việc tách và nhập như trên là khiên cưỡng.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo, đánh giá: “Hiện ngành giáo dục đã phân cấp rất nhiều nhiệm vụ cho địa phương về giáo dục phổ thông, cộng với việc đẩy mạnh tự chủ ở các trường ĐH nên việc tái cơ cấu Bộ GD-ĐT là cần thiết theo hướng giảm biên chế và ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại. Tuy nhiên, việc tách Bộ GD-ĐT ra để tái lập Bộ GD là đi ngược lại với nguyên tắc cải cách hành chính và không phù hợp về chức năng nhiệm vụ của hệ thống. Phải thấy rằng Bộ GD-ĐT và Tổng cục GDNN đều có chức năng cốt lõi là phát triển nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề của đất nước. Vì thế cần chú ý chức năng căn bản này để sắp xếp bộ máy”.
Theo tiến sĩ Vinh, ngày nay trên thế giới ít dùng thuật ngữ đào tạo cho cả ĐH và nghề, mà gọi là giáo dục ĐH và GDNN, vì thế giới thay đổi quá nhanh trước tiến bộ của khoa học công nghệ, đòi hỏi nhân lực cần kiến thức rộng, nền tảng cùng các kỹ năng mềm khác cho cuộc cách mạng trong kỷ nguyên số.
“Để thích ứng với biến đổi này thì chỉ giáo dục từ mầm non đến ĐH mới làm được. Hệ thống giáo dục từ mầm non vốn liên thông với nhau về bản chất và việc tách rời ra làm hai bộ sẽ khiến cho hệ thống ách tắc về hướng nghiệp, phân luồng, quy hoạch đội ngũ, nghiên cứu giáo dục, chuẩn bị giáo viên và cán bộ quản lý. Vì thế không nên tách thành Bộ GD mà nên sáp nhập: Bộ GD-ĐT, Bộ KHCN và Tổng cục GDNN là hợp lý để phát huy sức mạnh tổng hợp cho hệ thống”, tiến sĩ Vinh nêu quan điểm.
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cũng cho rằng việc tách Bộ GD-ĐT thành Bộ GD, còn đào tạo ĐH chuyển sang Bộ KHCN là chưa hợp lý. “Ở các nước mà tôi từng làm việc như Nhật, Hàn Quốc, thì Bộ GD-ĐT riêng và KHCN riêng với các chức năng rõ ràng là khác nhau. Giáo dục đào tạo sẽ phụ trách từ mầm non đến sau ĐH. Nếu cho rằng giáo dục ĐH gắn với nghiên cứu khoa học, thì cần phải nói rõ rằng hiện nay ĐH đã trở thành đại trà, những nghiên cứu của giảng viên ở cấp trường ĐH hiện nay chủ yếu chỉ truyền đạt kiến thức ở mức độ ĐH. Nước ta chưa có trường ĐH nào đạt tiêu chuẩn là trường ĐH nghiên cứu vì yêu cầu về nghiên cứu là rất cao”.
Vì thế, theo PGS Thuận, nếu nhiệm vụ đào tạo chuyển về Bộ KHCN để gắn với nghiên cứu thì trước hết các trường ĐH phải xây dựng để trở thành các trường ĐH nghiên cứu trước đã.
Bình luận (0)