325 phụ huynh trường Múa kêu cứu: Phó thủ tướng họp với các bộ liên quan

Quý Hiên
Quý Hiên
07/04/2021 09:47 GMT+7

Sau vụ 325 phụ huynh trường Múa kêu cứu, chiều 6.4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với các bộ liên quan để trao đổi về những vướng mắc trong việc dạy chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh trường nghề.

Theo cổng thông tin Chính phủ, chiều 6.4, tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT-DL để trao đổi về những vướng mắc trong việc dạy chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh trường nghề.
Trong cuộc họp, đại diện các bộ đã chia sẻ về một số giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh sau vụ việc 325 phụ huynh Học viện Múa Việt Nam kêu cứu.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt cuộc họp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là các bộ liên quan phải tìm cách giải quyết vấn đề trên cơ sở quán triệt tinh thần thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ, giữa các hệ thống và hình thức đào tạo.

Học sinh trường Múa sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THCS 

Tại cuộc họp, Bộ VH-TT-DL và lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam khẳng định học sinh vẫn được giảng dạy văn hoá theo chương trình được các Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT-DL quy định. Nguyện vọng của phụ huynh và các học sinh Học viện Múa Việt Nam đã hoàn thành chương trình trung cấp là được cấp bằng tốt nghiệp THCS, mặc dù trong thực tế ít khi sử dụng.
Bộ GD-ĐT cho biết, về nguyên tắc, Bộ GD-ĐT đồng ý cấp bằng tốt nghiệp THCS cho những học sinh này. Các vụ chức năng của Bộ GD-ĐT đã rà soát, kiến nghị phương án cấp bằng cụ thể, đúng theo thời điểm tốt nghiệp thực tế của học sinh.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định những học sinh trường nghệ thuật đã hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc học bù thêm các môn văn hoá theo hướng dẫn của Bộ.
Riêng đối với Học viện Múa Việt Nam, Bộ GD-ĐT cho rằng, căn cứ vào báo cáo của học viện và khẳng định của Bộ VH-TT-DL thì đã đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho các học sinh đã hoàn thành chương trình trung cấp.
Nhưng theo quy định của luật Giáo dục thì chỉ những cơ sở có chức năng giáo dục thường xuyên mới được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề Q.Cầu Giấy (Hà Nội) thực hiện việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh Học viện Múa Việt Nam.
Về lâu dài, chung với hệ thống các trường nghề, khi Học viện Múa Việt Nam có trung tâm giáo dục thường xuyên thì sẽ được tự cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh.

Quán triệt tinh thần giáo dục mở, liên thông

Trong cuộc hop, đại diện các bộ đều bày tỏ sự đồng thuận việc thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ, giữa các hệ thống và hình thức đào tạo. Thực tế việc này đã có những tín hiệu khả quan, khi những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề nhiều hơn trước. Hai bộ GD-ĐT, LĐ-TB-XH đã bàn phương án để học sinh tốt nghiệp THCS được chuyển sang học nghề; cho tuyển sinh hệ cao đẳng nghề.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, bên cạnh việc khuyến khích học sinh học nghề, cũng phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đạt chuẩn chung, thực hiện hội nhập quốc tế, văn bằng tốt nghiệp THPT quốc gia của Việt Nam được các nước công nhận.
Trong khi chưa ban hành thông tư hướng dẫn về khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông trong hệ thống trường nghề, Bộ GD-ĐT đã có văn bản số 2857/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, góp phần phân luồng học sinh sau THCS từ năm học 2020 - 2021. Theo đó, tạm thời trước mắt chưa mở rộng quy mô để các trường nghề trực tiếp dạy chương trình văn hoá tương đương với chương trình THPT.
Đại diện các bộ, ngành thống nhất đối với những trường nghề đang tiếp tục tuyển sinh, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn rất cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục. Về lâu dài, tiếp tục thực hiện trên tinh thần đó nhưng phải tuân theo quy định của luật Giáo dục là chỉ có các trung tâm giáo dục thường xuyên được chủ động hoặc kết hợp với trường phổ thông để dạy chương trình văn hoá bậc THPT.
Về khối lượng kiến thức văn hoá giảng dạy trong các trường nghề, mặc dù Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, soạn thảo nhưng vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau về mức độ kiến thức phù hợp, vừa bảo đảm kiến thức theo mặt bằng chung, vừa đảm bảo thời gian học nghề của học sinh. Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện, để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH sẽ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang giảng dạy chương trình văn hoá bậc THPT, theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện quyền tự chủ, được thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên để tiếp tục thực hiện dạy chương trình văn hoá giáo dục phổ thông theo quy định của luật Giáo dục, trên tinh thần không làm tăng biên chế, bộ máy tổ chức.
Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT tiến hành rà soát mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có giải pháp sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng những nơi có điều kiện, cơ sở có điều kiện có thể tiến hành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, bảo đảm vừa dạy nghề, vừa dạy văn hoá theo mô hình “vừa học, vừa làm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.