Bạo lực học đường: Đừng bao giờ 'bỏ rơi' con em mình!

08/10/2016 07:55 GMT+7

Những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây đã làm dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi hiện tượng này được 'trị' nhiều lần nhưng không dứt...

Thanh Niên Online đã trò chuyện cùng thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, cảm giác của ông thế nào khi đọc được những vụ bạo lực học đường liên tục xảy ra?
Không chỉ là cảm xúc của tôi, mà còn là cảm xúc của biết bao người khác, đều cảm thấy rất xót xa khi biết những trường hợp phải tìm đến con đường tự kết thúc cuộc sống của mình khi ở độ tuổi còn rất trẻ vì những tổn thương về mặt tâm lý khi các em bị bạo lực học đường. Bên cạnh đó, cũng có cảm giác tiếc nuối, vì nếu các em nhận được sự quan tâm hơn nữa từ phía gia đình, nhà trường và xã hội thì sự việc sẽ không trở nên nghiêm trọng như vậy.

Theo ông thì đâu là nguyên nhân khiến bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua?
"Khi đã hăng máu thì đừng hỏi bố cháu là ai"
... Những biện pháp cứng rắn như xử phạt, đình chỉ học,… chỉ là những giải pháp cục bộ, tạm thời mang tính trường hợp. Dù được truyền thông đăng tải, nhưng thực tế là các em chẳng bao giờ quan tâm và để ý, vì “tại thời điểm đó, không phải chuyện của mình nhưng khi đã hăng máu thì đừng hỏi bố cháu là ai.
 Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An
Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, trong giai đoạn độ tuổi mới lớn của các bạn xuất hiện trong clip, nhu cầu tự khẳng định bản thân rất cao. Khi ấy cái tôi cá nhân của các bạn trẻ được thể hiện rất rõ nét, nhu cầu cần được tôn trọng, được thể hiện cái tôi dần bộc lộ. Đôi khi chỉ vì những mâu thuẫn vụn vặt mà động chạm tới những nhu cầu đó thì rất có thể các bạn sẽ “xù lông nhím”, từ đó dẫn đến những hành vi bạo lực.
Thứ hai, ở độ tuổi học cấp 2, cấp 3, các bạn trẻ thường chơi theo nhóm, chơi theo hội. Đôi khi, từ những chuyện nhỏ nhặt, những người trong nhóm có một vài người xấu họ xúi giục, đả kích và gây nên hành vi bạo lực.
Nguyên nhân thứ 3 có thể là cách sống của các bạn, cách giáo dục từ phía gia đình có thể ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách của các bạn trẻ.
Và nguyên nhân thứ 4, ở độ tuổi mới lớn, dây cương cảm xúc của các bạn trẻ thường không dễ kiểm soát. Điều này rất nguy hiểm, nó chẳng khác nào việc “điều khiển xe mà không có thắng”, việc không kìm nén được cảm xúc có thể gây ra những hậu quả rất khôn lường.
Dư luận thắc mắc vì sao đã có nhiều biện pháp được đưa ra, thế nhưng nạn bạo lực học đường vẫn không hết, thậm chí còn nhiều hơn?
Chúng ta cần thật sự xem xét lại, người lớn đã chuẩn bị cho các em như thế nào khi các em bước vào lứa tuổi này. Vấn đề giáo dục về ngăn ngừa bạo lực học đường vẫn chưa được nhà trường quan tâm đúng mức và có chiều sâu, có chăng chỉ là những buổi báo cáo, giảng dạy nhỏ lẻ, cục bộ, hay nếu có cũng chỉ là những lí thuyết giáo điều, các em sẽ chẳng bao giờ để ý đến.
Gia đình cũng không thường xuyên quan tâm, xem xét thái độ của con như thế nào? Có biểu hiện gì lạ không để can thiệp kịp thời. Và chính các em, những nạn nhân của bạo lực học đường cũng chẳng chịu kể cho người lớn nghe vì sợ bị bạo lực nặng nề hơn, nên sự việc cứ từ đó lún sâu dần. Những bạn trẻ chuyên đi bắt nạt người khác, khi chuyện êm xuôi một lần thì chắc chắn sẽ có lần thứ 2, các bạn không biết khi nào nên dừng lại, và cũng chẳng biết rằng hành động của mình đang làm tổn thương rất sâu sắc đến người khác. Vết thương cơ thể có thể trị một vài tháng, tổn thương về mặt tinh thần đôi khi phải trị cả đời.
Nhiều cha mẹ không cho con cơ hội giải thích hay phản biện nào cả
Là một chuyên gia tâm lý, theo ông thì làm thế nào để có thể trị dứt điểm bạo lực học đường?
Vấn đề bạo lực học đường xuất phát từ nhiều lý do, nên muốn thật sự dứt điểm cần phải trị tận gốc những lý do đó.
Thứ nhất, môi trường, vùng miền, văn hóa,… mỗi nơi khác nhau. Không có sự đồng bộ hoàn toàn về trình độ dân trí, nên điều cần làm là rút ngắn khoảng cách chênh lệch đó lại càng ít càng tốt. Những vùng sâu, vùng xa,… cần được quan tâm hơn nữa đến việc chăm sóc tinh thần cho học sinh cấp trung học để các em hiểu rõ vấn đề mình đang gặp là gì, và giải quyết theo cách nào là hiệu quả nhất.
Thứ hai, đó là việc giáo dục con cái. Đã đến lúc các bậc cha mẹ phải hiểu thật rõ mức độ ảnh hưởng của bạo lực học đường. Các buổi hội thảo, kiến thức không hề thiếu, quan trọng là cha mẹ có dành thời gian để nghiên cứu hay không. Và việc giáo dục con cách phản biện, cách giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng. Nhiều cha mẹ thường hay cho rằng: mình đúng vì mình là người lớn, không cho con cơ hội giải thích hay phản biện nào cả. Một số gia đình còn lạm dụng đòn roi vì nghĩ “thương cho roi cho vọt”, người con không hiểu được điều đó, chỉ thấy tức tối vì mình bị đánh đập, vô hình trung hành vi bạo lực đã được tiêm nhiễm ngay từ chính gia đình mình.
Thứ ba, vai trò của giáo dục chưa được phát huy cao độ. Các em phải học quá nhiều điều về lí luận, lí thuyết,… trong khi những buổi kỹ năng, hay tiết Giáo dục công dân được xem là “môn phụ”. Việc không chú trọng đến giáo dục tư duy cho các em, cho rằng các em phải hiểu được điều này thì rất khó. Cần phải đưa nội dung việc giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực cho các em, quan trọng như việc các em học các môn toán, lý, hóa,… thì mới mong có sự thay đổi toàn diện được.
Thứ tư, phát huy cao hơn nữa vấn đề chăm sóc tinh thần cho học sinh. Hiện nay các trường đã có bố trí phòng tham vấn, nhưng mức độ sử dụng chưa hiệu quả. Các em cần người lắng nghe, tư vấn và tháo gỡ những băn khoăn này. Nên đòi hỏi những người phụ trách tư vấn, hoặc thậm chí là các thầy cô chủ nhiệm, phải luôn theo dõi và lắng nghe tâm sự của các em để tạo sự tin tưởng, khi các em có chuyện gì sẽ không giấu diếm và tự xử lý một mình.
Tuyệt đối không được dùng hình phạt nhằm hạ thấp nhân phẩm của trẻ
Có những biện pháp cứng rắn cũng đã được áp dụng tại nhiều trường. Vậy theo ông, cách này có giúp bạo lực học đường giảm không?
Những biện pháp cứng rắn như xử phạt, đình chỉ học,… chỉ là những giải pháp cục bộ, tạm thời mang tính trường hợp. Dù được truyền thông đăng tải, nhưng thực tế là các em chẳng bao giờ quan tâm và để ý, vì “tại thời điểm đó, không phải chuyện của mình nhưng khi đã hăng máu thì đừng hỏi bố cháu là ai".
Việc đình chỉ học tập, dùng đòn roi chỉ chứng minh sự bất lực của giáo dục, các em sẽ càng thiếu đi sự yêu thương, sự quan tâm của người lớn, và lại tiếp tục sa vào bạn bè xấu xung quanh.
Thầy cô giáo cần suy xét thật kỹ trong việc định hướng và giáo dục học sinh chưa ngoan sao cho thật thấu tình, đạt lý. Khi kỷ luật hay phê bình, cần chú ý đối tượng chính cần tác động và điều chỉnh là hành vi sai trái của trẻ chứ không phải là toàn bộ nhân cách của trẻ, tuyệt đối không được dùng hình phạt nhằm hạ thấp nhân phẩm của trẻ.
Gia đình hay nhà trường cần chú trọng đến các biện pháp cảm hóa sẵn sàng dang tay đón nhận các em cũng là một cách rất hay để cho các em thấy giá trị của sự bao dung, tình yêu thương. Chứ không phải cứ xử mạnh tay là sẽ giải quyết được vấn đề.

Nạn nhân của bạo lực học đường sẽ gặp những hệ lụy gì trong cuộc sống?
Trong giai đoạn của tuổi học trò, cái tôi và lòng tự trọng của các em rất cao, chính vì thế những hệ lụy thấy rõ nhất đó là sự suy sụp, xấu hổ khi phải đối mặt với bạn bè, thầy cô, sợ phải giao tiếp với mọi người, luôn có cảm giác mọi người bàn tán về mình,… dẫn tới trầm cảm, thậm chí là tự tử. Theo một nghiên cứu của A.E. Lichko, năm 2002, hành vi tự tử ít khi là kết quả của một sự lựa chọn ý thức, thường thì đó là sự tuyệt vọng của một người không còn khả năng nào để giải quyết vấn đề của mình. Theo tác giả, chỉ khoảng 10% các trường hợp tự tử của thiếu niên là thực sự không muốn sống, còn 90% trường hợp là những “lời kêu cứu”.
Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều việc các bạn tự tử vì không tìm được tiếng nói, bị trầm cảm quá mức, bị kì thị, xa lánh,… Các bạn không còn cách nào ngoài việc sử dụng cái chết của mình để mọi người chú ý và xem trọng lời nói của mình.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An trong những buổi hướng dẫn kỹ năng cho học sinh Ảnh: NVCC

Phải làm gì khi con em là nạn nhân của bạo lực học đường?
Vậy làm thế nào để những nạn nhân của bạo lực học đường có thể vượt qua cú sốc tinh thần, hệ lụy ấy? Ông có thể chia sẻ cho phụ huynh nên làm gì khi có con em là nạn nhân của bạo lực học đường?
Các em cũng tạm thời khóa Facebook hay các trang cá nhân để tránh đọc được những lời lẽ không hay. Các em nên nhớ rằng, người ngoài khi phát ngôn, họ chẳng cần biết đến tình hình bên trong là gì, họ chỉ nói ra cái cảm tính của riêng họ, vì vậy các em đừng quá đặt nặng những lời nói này. Điều quan trọng nhất là các em cần phải nói càng sớm càng tốt cho người lớn để có những biện pháp xử lý kịp thời. Theo kết quả của nhiều cuộc thăm dò, đa số các nạn nhân bị bạo lực học đường thường không tiết lộ với bất cứ ai về những chuyện đã xảy ra. Với các bạn nam, do các bạn ngượng hoặc sợ bị trả thù. Nhiều bạn khác vì ngại, hay sợ bị la (mình là nạn nhân sao lại sợ la nhỉ?) mà không thông báo với người lớn, để tự mình giải quyết và đôi khi phải nhận những hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc!
Phụ huynh là những người theo sát con mình nhất, nên những lời động viên, an ủi con là những liều thuốc trấn an tinh thần rất tốt. Hãy nói rõ cho con biết rằng “con không có tội, nên con chẳng có gì phải sợ cả”. Tuyệt đối không nên có những sự dè bỉu, chê bai, trách móc,… con trong lúc này. Hãy là chỗ dựa vững chắc và êm ái nhất, để con có thể thổ lộ hết những suy tư trong đầu ra. Đồng thời liên kết với nhà trường để tạo ra môi trường an toàn hơn cho con, để con dễ dàng bắt nhịp lại với cuộc sống. Trong trường hợp nặng, cần liên hệ đến các chuyên gia tư vấn tâm lý uy tín để có những phương pháp trị liệu chuyên sâu hơn.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường

Vào tháng 9 vừa qua, một nữ sinh lớp 10 ở Thanh Hóa đã bị nhóm bạn đánh hội đồng, lột áo ngay giữa đường.
Ngày 18.5.2016, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh Trường THCS Võ Trường Toản (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) bị nhóm nữ sinh cùng trường đánh hội đồng.
Cách đây không lâu, một nữ sinh Trường THCS Trần Phú (số 61 Hàm Nghi, TP.Huế) đã bị 3 nữ sinh khác đánh hội đồng kèm theo những lời lẽ thô tục.
Mới đây nhất, 2 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Thuận (Nghệ An) đã bị 6 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Long đánh hội đồng, quay clip rồi đưa lên mạng xã hội.
Vào trưa 25.9.2016, Bùi Quang Huy (15 tuổi), học sinh lớp 8A, Trường THCS Âu Lâu, TP.Yên Bái đã treo cổ tự tử. Gia đình Huy đoán hành động dại dột như vậy có thể vì Huy hoảng sợ và xấu hổ khi clip mình bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.