Bộ GD-ĐT báo cáo ra sao về hệ thống trường THPT chuyên gần 10 năm qua?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/06/2020 10:52 GMT+7

Những ồn ào tranh luận về việc có nên tiếp tục tồn tại hệ thống trường chuyên khiến dư luận tò mò về việc lâu nay trường chuyên đang hoạt động và phát triển ra sao, đánh giá của Bộ GD-ĐT về hệ thống này thế nào?

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến năm 2019, hệ thống trường chuyên trên cả nước đang tồn tại với 3 hình thức: trường chuyên trực thuộc Sở GD-ĐT, trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học, khối chuyên thuộc các trường phổ thông, khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.

Hơn 2% học sinh cả nước học THPT chuyên

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2018 của Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2010, cả nước có 68 trường chuyên (64 trường trực thuộc Sở GD-ĐT, 4 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học), 7 khối chuyên (4 khối chuyên thuộc trường THPT, 3 khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học).
Các tỉnh Đắk Nông, Long An chỉ có khối chuyên trong trường THPT. Tổng số học sinh THPT chuyên là 49.904 (chiếm tỷ lệ khoảng 1,74% số học sinh THPT).
Năm học 2018 - 2029, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã có trường chuyên. Hệ thống trường chuyên gồm: 76 trường chuyên (71 trường trực thuộc Sở GD-ĐT, 5 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học); 11 khối chuyên (9 khối chuyên thuộc trường THPT, 2 khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học).
Giai đoạn này có 8 trường chuyên được thành lập. Số học sinh chuyên năm học 2018 - 2019 là 72.998 em, tăng 16.736 học sinh (chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT).

Trường chuyên được đầu tư chủ yếu bằng ngân sách

Theo Bộ GD-ĐT, các trường chuyên hiện nay được đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước và một vài trường nhận được đầu tư nguồn tài trợ trong nước. 
Năm 2010, đa số các trường có khuôn viên chật hẹp, thiếu các phòng thực hành, thí nghiệm, phòng học bộ môn. Có 21/68 (30%) trường chuyên đạt chuẩn quốc gia; 189/423 (44,6%) phòng bộ môn đúng tiêu chuẩn; 31/68 (45,5%) trường có ký túc xá cho học sinh; 42/68 (61,7%) trường có nhà tập đa năng.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng cho biết, theo quy hoạch, kế hoạch phát triển trường chuyên đến năm 2015 và 2020 có đặt ra mục tiêu ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15 m2/học sinh; đầu tư xây dựng các trường chuyên đảm bảo đạt chuẩn quốc gia; các trường đều có đủ phòng học 2 buổi/ngày, có hội trường, nhà tập đa năng, nhà công vụ, nhà ăn, ký túc xá cho học sinh ở nội trú, sân vận động, bể bơi, hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại.
Đến thời điểm năm học 2018 - 2019 đã có hơn 20 trường chuyên được đầu tư xây mới theo hướng đồng bộ, hiện đại với diện tích trung bình 30.000 m2 và có đủ hội trường, nhà tập đa năng, nhà công vụ, nhà ăn, ký túc xá cho học sinh ở nội trú, sân vận động, hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại trong đó một số trường đã có bể bơi. 

Gần 60% giáo viên trường chuyên có trình độ thạc sĩ

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2010 - 2011, số giáo viên, cán bộ quản lý dạy lớp chuyên có trình độ tiến sĩ 67 người (tỷ lệ 1,1%), thạc sĩ 1.858 người (29,1%), cử nhân 4.450 người (69,8%).
Đến năm học 2018 - 2019, số cán bộ quản lý và giáo viên dạy lớp chuyên đã có: 108 người trình độ tiến sĩ (tỷ lệ 1,9%), 3.383 người trình độ thạc sĩ (58,3%), 2.309 người trình độ cử nhân (39,8%). So với thời điểm năm 2010, số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ tiến sĩ tăng 41 người, trình độ thạc sĩ tăng 1.525 người.
Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện đề án phát triển trường chuyên, Bộ đã tổ chức các khóa bồi dưỡng tiếng Anh, tin học cho giáo viên, cán bộ quản lý; đưa đi bồi dưỡng tiếng Anh tại nước ngoài cho các giáo viên giảng dạy tiếng Anh trong các trường chuyên.
Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên dạy môn ngoại ngữ và chuẩn bị cho việc dạy học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được các trường chuyên quan tâm hàng đầu. Bằng các nguồn kinh phí của các chương trình, dự án, ngân sách địa phương, nhiều giáo viên được cử đi học tập tăng cường về ngoại ngữ tại nước ngoài.
Các trường chuyên đều đã đề ra yêu cầu về ngoại ngữ đối với một số giáo viên và tạo điều kiện để các giáo viên này tham gia học tập để tăng cường khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ giúp từng bước đưa một số nội dung dạy học tiên tiến của nước ngoài vào giảng dạy trong nhà trường.
Bộ cũng cho biết đã tổ chức các khóa đào tạo ngắn, dài hạn trong và ngoài nước về giảng dạy bằng tiếng Anh cho giáo viên dạy các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, để từng bước thực hiện dạy học các môn học này bằng tiếng Anh trong các trường chuyên.

Trường chuyên dạy bằng tài liệu gì?

Các trường chuyên đang thực hiện nội dung dạy học các môn chuyên theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tài liệu hướng dẫn phát triển chương trình các môn chuyên; tài liệu phục vụ cho việc thực hiện giảng dạy bằng tiếng Anh các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học; tài liệu về tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm bồi dưỡng năng khiếu theo lĩnh vực chuyên như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và quản lý từng bước được triển khai trong các khóa tập huấn giáo viên chuyên.
Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT, các trường có thể lựa chọn giới thiệu một số chương trình, tài liệu dạy học tiên tiến của nước ngoài để tham khảo, vận dụng. Hiện đã có một số trường chuyên lựa chọn một số chương trình, tài liệu dạy học tiên tiến của nước ngoài để dạy học trong nhà trường như Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, khối chuyên của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội),....
Về tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho biết đã ban hành thông tư về quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho việc tuyển sinh đầu vào các trường chuyên.
Việc tuyển sinh vào trường chuyên thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng thông tin, để đánh giá sát hơn năng lực thực tế của học sinh, tháng 6.2013, Bộ đã hướng dẫn sử dụng bộ công cụ trắc nghiệm đánh giá chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) cho những học sinh THCS đăng ký dự tuyển vào các trường chuyên như: Hạ Long (Quảng Ninh), Trường chuyên Bắc Giang và Trường chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương); đồng thời sử dụng bộ công cụ này cho việc đánh giá năng lực học sinh chuyên của Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) và Trường chuyên Hùng Vương (Phú Thọ).
Theo Bộ GD-ĐT, tuy việc sử dụng kết quả trắc nghiệm trong tuyển sinh vào trường chuyên nêu trên còn ở mức độ ban đầu nhưng từ kết quả đo được cho thấy đây là cơ sở quan trọng trong việc phát hiện năng lực tư duy khoa học, khả năng xử lý thông tin và khả năng vượt khó của học sinh.

Thành tích của trường chuyên là các giải Olympic quốc tế?

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2018, Bộ GD-ĐT cho rằng, đề án đã có tác động lớn đến việc thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội về mục tiêu trường chuyên.
Mạng lưới trường chuyên từng bước được hoàn thiện, quy mô trường lớp và học sinh được mở rộng, đạt được mục tiêu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường chuyên từng bước được tăng cường.
Chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến rõ nét, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi đại học, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua; việc giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục nước ngoài đã được một số trường chuyên thực hiện.
Ví dụ,  giai đoạn 2006 - 2010 trong kỳ thi Olympic quốc tế giành được số huy chương và tỷ lệ trong số huy chương đoạt được là 23 huy chương vàng (chiếm 22,1%), 40 huy chương bạc (chiếm 38,5%), 41 huy chương đồng (chiếm 39,4%). Giai đoạn 2011 - 2018 có 56 huy chương vàng (chiếm 31,3%), 65 huy chương bạc (chiếm 36,3%), 58 huy chương đồng (chiếm 32,4%); tỷ lệ học sinh đoạt huy chương vàng tăng 9,2%.

3 hạn chế của trường chuyên

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra 3 hạn chế của trường chuyên hiện nay. Thứ nhất, việc xây dựng các trường chuyên có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai ở nhiều địa phương.
Thứ hai, một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục
Thứ ba, việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại; việc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài về xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn khiêm tốn.
 

Phát triển trường chuyên dựa trên các văn bản nào?

Ngày 24.6.2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 959/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020.
Ngày 26.10.2010, Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện đề án phát triển trường THPT chuyên, xác định cụ thể công việc, lộ trình, phân công các đơn vị thực hiện,…
Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý và hướng dẫn triển khai, như: Thông tư quy định về hoạt động của trường THPT chuyên (ngày 15.2.2012); danh mục tối thiểu thiết bị dạy học trường THPT chuyên; hướng dẫn thực hiện nội dung dạy học chuyên sâu các môn chuyên trong trường chuyên; hướng dẫn nhiệm vụ năm học hằng năm đối với giáo dục trung học đều có phần hướng dẫn riêng về trường chuyên.
Căn cứ Quyết định 959 của Chính phủ, kế hoạch và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD- ĐT, các địa phương trong cả nước đều đã xây dựng đề án phát triển trường chuyên của tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.