Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng sẽ bổ sung quy định về thẩm định và phản biện sách giáo khoa (SGK).
Phần chỉnh sửa sẽ in thành tài liệu phát miễn phí
Sáng 20.10, tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã báo cáo những vấn đề dư luận quan tâm liên quan tới SGK lớp 1.
Ông Độ cho biết Bộ sẽ chỉ đạo nhà xuất bản và tinh thần là sẽ phát hành SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có thêm tài liệu chỉnh sửa, bổ sung, phát miễn phí cho học sinh (HS) đang sử dụng SGK này. Kinh phí do nhà xuất bản cuốn sách này chi trả toàn bộ. Cũng theo ông Độ, một số ngữ liệu phải thay đổi trong sách này nằm ở các bài học ở nửa cuối của sách, nên hiện tại không ảnh hưởng quá nhiều đến việc dạy và học.
Ông Độ còn cho rằng vai trò của giáo viên (GV) rất quan trọng, được quyền chủ động trong xây dựng bài học, nên không phải dạy theo hoàn toàn SGK. Những ngữ liệu nào mà GV thấy không phù hợp với HS của mình thì có thể thay đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn.
Trước câu hỏi về việc tại sao GV đang dạy lớp 1 không lên tiếng về SGK tiếng Việt của nhóm Cánh Diều, phải chăng Bộ có chỉ đạo không cho GV phát ngôn về điều này, ông Độ khẳng định không có bất cứ chỉ đạo nào, ngược lại Bộ rất mong nhận được góp ý của người trực tiếp giảng dạy.
Tuy nhiên, ông Độ cũng cho rằng Bộ biết thông tin về SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều hơi chậm so với phản ánh của báo chí vì trước đó Bộ có đi kiểm tra, dự giờ một loạt các địa phương thì thấy không có GV nào ý kiến gì về bất cập trong chương trình hay SGK, do vậy Bộ cũng cảm ơn báo chí đã phản ánh điều này.
Bổ sung quy định về tổ chức thực nghiệm SGK
Ông Độ cũng chia sẻ những khó khăn khách quan do dịch Covid-19 mà việc thay SGK lớp 1 năm nay gặp phải khiến cho việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV… bị chậm hơn so với kế hoạch đề ra; dịch bệnh cũng khiến trẻ mầm non 5 tuổi năm nay hầu như không được đến trường trong học kỳ 2, khiến các em chưa được chuẩn bị tốt trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, năm nay ngày khai giảng trùng với ngày tựu trường khiến HS lớp 1 không còn 2 tuần làm quen như trước, nên cũng bỡ ngỡ khi vào chương trình. “Bộ sẽ lắng nghe ý kiến góp ý của các thầy cô, nhà trường và dự kiến sẽ điều chỉnh thời gian tựu trường với HS lớp 1, có ít nhất 2 tuần để các em làm quen với môi trường mới”, ông Độ nói.
Ông Độ cho hay sau sự việc của sách Cánh Diều, Bộ đã yêu cầu các nhà xuất bản, các tác giả rà soát tất cả 5 bộ sách để xem có vấn đề cần chỉnh sửa hay không, những lỗi lớn thì phải thay đổi, những lỗi nhỏ có thể điều chỉnh trong quá trình sử dụng.
Ông Độ thông tin: “Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ, tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.
Trước câu hỏi về việc có ý kiến cho rằng việc sách tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều “bị” phê phán là do có dấu hiệu của sự cạnh tranh không lành mạnh khi có nhiều bộ SGK lớp 1, áp dụng từ năm học này, ông Độ cho biết Bộ không có thông tin nên chưa thể khẳng định được hiện tượng này.
Tăng tiết tiếng Việt lớp 1 là để giảm tải ?
Báo cáo của Bộ cho biết: Toàn quốc có khoảng 14.000 trường tiểu học, trong đó có khoảng 100.000 GV trực tiếp dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021. Đây cũng là lực lượng trực tiếp chọn SGK lớp 1 năm học này. Kết quả lựa chọn 5 bộ SGK mà Bộ GD-ĐT tổng hợp thì bộ sách Cánh Diều được chọn nhiều nhất với 32%; tiếp đến là bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống với 28%... bộ sách được lựa chọn ít nhất là bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục với khoảng 8%.
Xung quanh ý kiến cho rằng chương trình tiếng Việt lớp 1 nặng hơn hẳn so với chương trình cũ, đại diện Bộ GD-ĐT phân tích: Tổng số tiết học môn tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong chương trình cũ và mới không thay đổi, đều là 1.505 tiết. Tuy nhiên, số tiết cho lớp 1 và lớp 2 trong chương trình mới có tăng (tăng 2 tiết/tuần và 70 tiết/năm học cho lớp 1, tăng 1 tiết/tuần và 35 tiết/năm học cho lớp 2) so với chương trình 2000; ngược lại số tiết cho lớp 3, 4, 5 trong chương trình 2018 lại giảm. Theo Bộ GD-ĐT, việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 nhằm giúp HS phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác.
Như vậy, về nội dung kiến thức, chương trình mới có phần giảm nhẹ hơn so với chương trình cũ, tăng tiết đối với lớp 1, lớp 2 là để giảm tải, chứ không phải tăng tải, giúp các em học đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần mới để biết đọc, biết viết.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, trước đây chương trình năm 2000 chỉ được thực hiện trong phạm vi 350 tiết/năm, tính trung bình 10 tiết/tuần; còn chương trình năm 2018 được thực hiện đến 420 tiết/năm, tăng thêm 2 tiết để GV, HS dạy học đỡ vất vả hơn.
|
Bình luận