Bố mẹ nghĩ gì khi cho con tham gia trại hè lính cứu hỏa?

Đinh Thanh Phương
Đinh Thanh Phương
20/05/2019 21:19 GMT+7

Trước đây con tôi học tiểu học một trường tư thục, ở trường các con cũng được hướng dẫn sử dụng bình cứu hỏa để dập lửa, lúc đó tôi rất thích, nghĩ rằng tốt cho các con. Khi làm việc ở trường quốc tế , các thầy cô người nước ngoài đã khiến tôi thay đổi nhận thức và suy nghĩ về vấn đề này.

Chắc chắn là muốn con mình trải nghiệm một sân chơi mới lạ, hữu ích cho con. Thoạt đọc các mẩu quảng cáo của trại hè này, bố mẹ chắc chắn sẽ thích mê, và các con cũng vậy, nhất là các bạn có tính cách mạnh mẽ, có tinh thần thích thử thách: được học các kỹ năng đu dây từ lầu 4 xuống đất, được tập thể lực, được học cách sử dụng bình cứu hỏa, được cùng nhau dập tắt đám cháy... Oai quá còn gì!

Trước đây con tôi học tiểu học một trường tư thục, ở trường các con cũng được hướng dẫn sử dụng bình cứu hỏa để dập lửa, lúc đó tôi rất thích, nghĩ rằng tốt cho các con. Khi làm việc ở trường quốc tế, các thầy cô người nước ngoài đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn nhận thức và suy nghĩ về vấn đề này.
Trong các lần diễn tập thoát hiểm khi có báo động cháy, ưu tiên của họ luôn luôn là hướng dẫn học sinh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm nhanh nhất có thể. Khi tôi chia sẻ về trải nghiệm của con tôi ở trường tư thục của Việt Nam, các thầy cô đã giải thích rằng đa số các trường hợp tử vong trong đám cháy là do ngạt khói chứ không phải do lửa nóng, vì vậy, điều cần nhất là thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm để cứu thân, việc cứu lửa phải do lực lượng chuyên nghiệp thực hiện. Hơn nữa, trẻ em phải được bảo vệ chứ không phải là đối tượng chịu trách nhiệm dập tắt đám cháy, chưa kể là với những dụng cụ thô sơ, có thể sẽ gây nguy hiểm cho các em hơn là giải quyết được tình hình.
Bố mẹ có nghĩ con mình cần thiết phải xông vào dập đám cháy không? Khi việc dập lửa cứu tài sản đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con?
Bố mẹ có nghĩ một khóa học ngắn ngủi một tuần lễ có thể gây hại đến đứa trẻ của mình không? Ngay cả đối với lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp, họ cũng phải tập luyện thường xuyên các thao tác thoát hiểm, chữa cháy, cứu người trong đám cháy, đám đổ nát... thì khi có sự cố mới thực hiện thuần thục được, một buổi thực hành trong khoá học ngắn ngủi của con bạn liệu có thể cho đứa trẻ kỹ năng đó hay không? Một trải nghiệm cưỡi ngựa xem hoa “y như thật” tại khóa học có thể tạo cho đứa trẻ một niềm tin sai lệch rằng con có thể dũng cảm xông vào dập tắt đám cháy dữ tợn và bạo tàn trong thực tế nếu xảy cháy chỉ vì con đã dập tắt được đám lửa đã được chuẩn bị kỹ càng về an toàn trong khóa học của con! Điều gì sẽ xảy ra nếu đám khói ập đến? Điều gì sẽ xảy ra nếu con đã kịp quên cách sử dụng bình chữa cháy và lửa đang bùng cháy ngày một lớn chặn mất đường thoát của con?
Trẻ em là để được bảo vệ an toàn, chứ không phải để đưa các con vào những mối nguy hiểm xuất phát từ nhận thức sai lệch của người lớn.
Nếu chúng ta tiếp tục tư duy theo lối mòn và không nhận định đúng đắn và rõ ràng về an toàn và phạm vi trách nhiệm của trẻ, sự ngộ nhận này sẽ tiềm ẩn nguy hiểm cho chính những đứa trẻ quý giá của chúng ta.
Xin hãy tỉnh táo, và thay vì chạy theo những phong trào trại hè A trại hè B với những cái tên rất kêu, rất ấn tượng, phụ huynh xin hãy dành nhiều thời gian cho con, trò chuyện và định hướng cho con đúng đắn về giá trị của bản thân, của sự sống, giá trị của ước mơ, của đam mê và hành trình theo đuổi đam mê... Những điều này giúp các con mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, hạnh phúc hơn là những kiến thức, kỹ năng có khi cả đời không dùng đến và có thể gây nguy hiểm cho các con.
Ý kiến
Chương trình quá cao so với lứa tuổi
Tôi không thích lắm các trại hè kiểu như vậy hiện nay được tổ chức khắp nơi. Bởi nó vượt quá sức tưởng tượng, suy nghĩ, khả năng của đám trẻ. Nếu đó là một khóa cho học sinh THPT thì có thể tạm chấp nhận bởi khi đó trẻ đã hiểu việc hơn, đủ thể lực hơn. Còn dưới độ tuổi đó, tôi cho rằng hoặc đó chỉ là cái cớ để bố mẹ không phải trông con trong 1 khoảng thời gian hè, hoặc là bố mẹ đang quá kỳ vọng vào đứa con mình nhận thức được các vấn đề hơn. Cũng có thể là chính bố mẹ cũng không hiểu hết được thực tế của những gì các con phải học.
Tất nhiên là còn tùy các chương trình. Có chương trình khá nhẹ nhàng, các con tham gia ở mức vui chơi, có thêm trải nghiệm. Nhưng có những chương trình theo quảng cáo thì tôi thấy hơi cao quá so với độ tuổi. Tất nhiên là họ không ép nhưng tôi thấy không quá cần thiết. Tóm lại, những cái đó sẽ phù hợp hơn khi đám trẻ đủ thể lực, đủ nhận thức và tự chủ được việc đăng ký. Tất nhiên, tôi hiểu việc các bố mẹ mong muốn con sẽ có những hoạt động tốt để trải nghiệm hè, để tách khỏi các thiết bị điện tử, biết thêm các kỹ năng, các vấn đề có thể xảy ra. Nhưng quan trọng nhất là có sự đồng hành của bố mẹ chứ không hẳn là kiểu bàn giao con như vậy.
Cao Mạnh Tuấn, người thường xuyên tổ chức các buổi đi du lịch khám phá thiên nhiên, trong đó có trẻ em
Tại sao dựng ra trại hè chỉ làm lính cứu hỏa?
Các hoạt động để phát triển kỹ năng kiểu này cho trẻ thường có hai dạng. Một là chơi mô phỏng. Trẻ sẽ được trải nghiệm, quan sát qua các hoạt động của lính cứu hỏa để duy trì trí tưởng tượng. Hiện nay, một số khu vui chơi lớn có các hoạt động này để trẻ tham gia trải nghiệm. Hai là rèn kỹ năng. Ở nước ngoài, có một số hoạt động này khi trẻ được khoảng 10 tuổi để thử thách: đu dây leo núi, vượt núi… Mục đích của những hoạt động này là giúp trẻ vượt giới hạn bản thân, để trẻ bước ra khỏi vùng an toàn, tăng cảm giác tự tin. Dĩ nhiên những hoạt động này phải tính đến an toàn ở mức cao nhất. Nếu trẻ cảm thấy chưa tự tin, trẻ sẽ ở ngoài quan sát trước.
Tôi thấy trại hè này không nằm trong cả hai dạng nói trên. Vì hoạt động này là để trẻ làm lính cứu hỏa thật, không phải chơi để duy trì trí trưởng tượng. Điều này có thể phá hỏng hoàn toàn trí tưởng tượng của trẻ.
Nhưng tại sao dựng ra trại hè chỉ làm lính cứu hỏa? Trong khi mục tiêu của hoạt động này cũng chưa rõ ràng.
(Một tiến sĩ giáo dục chuyên về hoạt động trí tuệ, thể chất cho trẻ em)
Đừng xúi trẻ làm anh hùng!
Con tôi học bên Mỹ vẫn thường được hướng dẫn, luyện tập là khi nghe báo động, không ôm lấy bất cứ cái gì mà ngay lập tức thoát thân theo sơ đồ di tản đã được định sẵn. Sau đó là tập kết tại khu vực quy định để kiểm đếm và nhận hỗ trợ cần thiết. Người lớn sẽ không giúp đỡ, không can thiệp quá trình này. Có nhiều thời điểm trời mùa đông lạnh, trẻ đang sinh hoạt trong trường không mặc áo khoác, nghe còi hú cũng buộc di tản ngay lập tức, không được lấy đồ hay áo khoác. Công tác phòng cháy chữa cháy của nhà trường có định kỳ diễn tập di tản và kiểm đếm. Chưa kể bất cứ khi nào trường nhận thấy có dấu hiệu hoặc thông báo nặc danh về các hiểm hoạ cho học sinh như cháy nổ, đặt bom… thì trường ngay lập tức phát lệnh di tản và liên hệ cơ quan ứng phó khẩn cấp mà không cần điều tra truy xét báo động thật hay giả.
Vì vậy, những kỹ năng chạy thoát hiểm này nên tự huấn luyện, nhắc con thói quen quan sát và chủ động bảo vệ bản thân mình. Con cần phải có thói quen quan sát và lặp lại những bài di tản đơn giản. Nhưng đó là di tản để bảo vệ bản thân chứ không phải lao vào dập lửa. Ngay cả người lớn, lúc cháy cũng rất hoảng loạn.
Tôi luôn đồng ý chuyện cho trẻ em diễn tập thoát hiểm thường xuyên tại các trường. không cứ là trường quốc tế hay trường Việt Nam. Còn các trại hè dạy kỹ năng sinh tồn thì tôi cũng không phản bác. Nhưng đừng xúi trẻ con làm anh hùng!
(Một phụ huynh có trẻ đang học tại Mỹ)
Đăng Nguyên (ghi)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.