Bố mẹ ơi bỏ điện thoại xuống được không?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
02/05/2018 15:52 GMT+7

Một ngày cuối tuần, chúng tôi bước vào quán cà phê quen thuộc trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM. Quán rất đông, nhiều bàn có cả phụ huynh cho các em nhỏ theo, trên tay bố và mẹ đều là chiếc điện thoại .

Ngồi cạnh chúng tôi là một gia đình. Sau khi mang về đồ uống, ông bố nhìn chăm chú vào chiếc điện thoại thông minh mang theo. Phía đối diện, bà mẹ cũng lấy tay quẹt quẹt ngang dọc màn hình cảm ứng của điện thoại. Họ im lặng. Bé gái ngồi giữa tự động lấy ra chiếc iPad và mở chương trình thiếu nhi yêu thích. Cả ba người thi thoảng quay ra nói với nhau một vài câu, rồi lại chăm chú vào thế giới riêng của mình. Hơn một giờ đồng hồ sau, họ đứng dậy, thu dọn đồ đạc và ra về.
Hình ảnh này không hiểu sao cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi. Và gia đình trên không phải là cá biệt, rất nhiều lần tới các quán ăn, cửa hàng cà phê khác tại TP.HCM, tôi đều bắt gặp các thế hệ trong một gia đình cùng chăm chú vào màn hình điện thoại. Họ có nói chuyện với nhau, nhưng rất ít.
Có một lần, tôi bế con gái vào quán cà phê. Bàn bên cạnh tôi là một bà cụ hơn 70 tuổi và cô con gái chừng 50 tuổi. Bà cụ đã uống hết phần trà đào của mình và nhìn ra ngoài cửa kính, con gái cụ vẫn say mê “chat” với bạn bè trên facebook, thi thoảng quay sang hỏi mẹ có uống gì nữa không. Bà cụ thấy con gái tôi thì rất thích, cụ hỏi cháu mấy tuổi và trêu đùa khiến bé cười rúc rích.

Xã hội hiện đại, mọi thứ nhanh gọn và giản đơn chỉ trong chiếc điện thoại trong tầm tay, nhưng lẽ nào khiến mọi thành viên trong gia đình ngày càng xa nhau?
Trao đổi với Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng, nguyên giảng viên tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay dẫu biết rằng xã hội phát triển, công việc của các bậc cha mẹ cũng bận rộn hơn, rất nhiều người sẽ phải sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng nhiều hơn trong ngày. Tuy nhiên, họ cần cân nhắc, phân bố hợp lý thời gian dành cho các con.
“Các con sẽ dễ cảm thấy bị ức chế tâm lý nếu cha mẹ không nghe mình nói chuyện, tâm sự mà chỉ quan tâm điện thoại đổ chuông hay thông báo tin nhắn”, thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương ATY, chia sẻ với Thanh Niên: “Con cái là bản sao của ba mẹ. Khi người ta hỏi các chuyên gia: điều gì sẽ giúp cho con tôi thành công? Hầu hết câu trả lời là noi gương, noi gương và noi gương”.
“Con cái dễ làm theo những gì ba mẹ đang làm. Việc sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi sẽ làm cho không khí gia đình mất đi sự gần gũi thân mật trong giao tiếp, mọi người không còn thời gian xây dựng 'ngân hàng tình cảm'. Chúng ta dễ bị cuốn vào những thứ không quan trọng để rồi đánh mất đi thứ quan trọng nhất đó chính là gia đình”, ông Nhân bày tỏ.
Các bố mẹ ơi, có thể bỏ điện thoại xuống một chút, lắng nghe các con được không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.