Điều này có nên hay không?
Chị Nguyễn Kim Phúc, 37 tuổi, trú đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, TP.HCM có một con trai 8 tuổi và con gái 4 tuổi, đến nay con trai chị có thể cắm nồi cơm điện, rán trứng, luộc rau, làm mì xào rau cải và trứng - món sở trường của con. Chị Phúc cho biết đến thời điểm này chị rất yên tâm mỗi khi đi làm về muộn, con có thể tự nấu phần ăn cho mình mà không phải ăn mì gói hoặc pizza.
“Em gái thường bắt chước anh trai. Khi anh nhặt rau thì em cũng học theo, vậy là tôi không mất nhiều thời gian để dạy các con của mình vào bếp”.
Chị Phúc tự lập từ sớm. Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại miền Tây, chị đã sớm phải đi chợ, nấu cơm cho cả nhà từ khi mới học lớp 2, do đó chị cho rằng vào bếp không chỉ thể hiện một phần tự lập trong cuộc sống, mà qua đó sẽ giúp chính chúng ta học hỏi được nhiều điều hay.
“Tôi không quan niệm rằng chỉ con gái mới học nấu ăn. Xã hội cần bình đẳng, nếu sau này con trai tôi đi du học, làm việc ở môi trường nước ngoài, biết nấu ăn là một lợi thế”, chị Phúc nói.
tin liên quan
Mẹ của những em bé xinh như thiên thần bật mí cách dạy con tự lậpChị Phúc cho biết một số mẹo hay để rủ con vào bếp như đầu tiên nhờ con giúp nhặt một bó rau, mang cho trái ớt..., sau đó vừa nấu ăn vừa nói chuyện với con, giải đáp các câu hỏi con thắc mắc. Các con sẽ thích giờ vào bếp hơn.
Chị Lại Thị Trang, 31 tuổi, giáo viên dạy môn công nghệ Trường THCS Đông Hải, thành phố Ninh Bình cho biết rất nên dạy trẻ em các kỹ năng vào bếp từ sớm, giúp con hình thành kỹ năng sống.
“Thứ nhất, con tự làm được các công việc bếp núc vừa sức, đôi khi chỉ là nhặt rau, vo gạo giúp mẹ nhưng qua đó cũng là gắn kết tình cảm gia đình. 4 tuổi con đã có thể vào bếp cùng với mẹ, lớn dần con sẽ làm một số việc lớn hơn như rửa bát, cắm cơm”, chị Lại Thị Trang nói.
Theo chị Trang, các con sẽ hạnh phúc hơn khi được làm việc nhà bếp cùng mẹ: “Khi được mẹ khen con giỏi quá, mẹ rất vui và cảm động khi con giúp mẹ, các con sẽ càng phấn khởi để làm việc cùng mẹ hơn”.
Tại gia đình của chị Trang, con trai lớn 6 tuổi đã có thể lau nhà, rửa bát giúp mẹ, con gái 5 tuổi đã biết nhặt rau, cùng mẹ lau cầu thang. “Đều là những công việc nhỏ nhưng khuyến khích các con yêu lao động, có trách nhiệm hơn với gia đình”, chị Trang chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Bích, 57 tuổi, cựu bếp trưởng khách sạn Công Đoàn (khu du lịch Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), độ tuổi lý tưởng để dạy các con có thể vào bếp cùng cha mẹ là 7 tuổi, khi đó độ cao của con có thể đứng tới bàn bếp, có thể học cầm dao, sử dụng nồi cơm điện an toàn...
“Ngoài sự tự lập, trẻ em nếu được học nấu ăn từ sớm sẽ sáng tạo hơn. Khoảng thời gian trong bếp cùng cha mẹ cũng sẽ kiến tình cảm gia đình được gắn kết hơn”, bà Bích nói.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đồng, nguyên giảng viên tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết việc khuyến khích các con vào bếp là việc các cha mẹ nên làm. "Điều này không chỉ có lợi ở chỗ cha mẹ được giúp đỡ một phần nào đó, mà còn khiến con cái học hỏi được nhiều điều hay và tự lập hơn. Để con thích vào bếp, cha mẹ nên nói nhẹ nhàng, khen ngợi con".
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Đồng, không nên kỳ vọng quá vào việc con cái vào bếp sớm. "Tôi không cho rằng chỉ khi con cái vào bếp, học nấu nướng thì các con mới có thể có nhiều kỹ năng sống. Nếu được học hỏi giao tiếp với xã hội, đọc sách, vui chơi ngoài trời, thì các trẻ cũng sẽ thu được nhiều kiến thức bổ ích", ông Đồng nêu quan điểm.
Bình luận (0)