Bữa ăn bán trú của học sinh có bị cắt xén?

Hàng loạt vụ việc liên quan đến bữa ăn bán trú từ đầu năm học đến nay đang khiến không ít phụ huynh cùng dư luận xã hội lo lắng và đặt vấn đề về chất lượng bữa ăn của học sinh trong nhà trường.

Phụ huynh tố không đảm bảo chất lượng
Bước vào năm học mới một thời gian ngắn nhưng đã có hàng loạt vụ lùm xùm liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh (HS).
Đó là chuyện khay ăn có ấu trùng xảy ra ở nhiều trường tại Hà Nội như Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình), Trường tiểu học Chu Văn An (Q.Hoàng Mai); Trường mầm non Lại Yên (H.Hoài Đức). Phụ huynh một số trường từ Hà Nội đến Nghệ An cũng tố bữa ăn bán trú của con quá đạm bạc. Những hình ảnh được đưa lên mạng và gửi đến cơ quan chức năng với suất ăn chỉ vài cọng rau, lác đác vài vụn thịt băm, thậm chí cho các con ăn miến... luộc suông. Nhiều phụ huynh nghi ngờ bữa ăn của trẻ bị cắt xén nên không đảm bảo chất lượng.
Lãnh đạo các trường khi giải thích đều tìm đủ lý do để chứng minh không bớt xén khẩu phần ăn của HS, như quên không cho thịt vào hay HS có thể lấy nhiều lần thức ăn chứ không chỉ như hình ảnh được gửi đi...
Một số địa phương đã vào cuộc bằng cách đi kiểm tra đột xuất bếp ăn bán trú của các trường học. Ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai (Hà Nội), đã trực tiếp làm trưởng đoàn kiểm tra đột xuất 8 bếp ăn của các trường trên địa bàn quận trong tháng 10 vừa qua. Qua kiểm tra nhanh các mẫu thực phẩm (do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thực hiện), đoàn đã phát thiện mẫu rau mùng tơi tại tủ lưu mẫu thực phẩm chưa qua chế biến của Trường mầm non Hoàng Liệt dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật và đã lập biên bản...
Những sự việc như vậy khiến nỗi ám ảnh về bữa ăn bán trú của HS thiếu chất, không đảm bảo an toàn gần đây ngày càng gia tăng. Chị T.H có con học lớp 2 ở một trường tiểu học danh tiếng tại Hà Nội cho biết, từ năm học này chị đã quyết định cho con không bán trú tại trường vì quá lo ngại về chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm.
Liên kết với đơn vị bên ngoài nhà trường
Hà Nội hiện có hơn 650.000 HS tiểu học, trong đó hơn 50% ăn bán trú ở trường, do vậy, việc quan tâm tới bữa ăn bán trú là tất yếu. Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy nếu như trường mầm non có chức năng chính là nuôi và dạy nên đều có cô nuôi, đầu bếp, bếp ăn được tổ chức khá bài bản, chặt chẽ thì nhiều trường tiểu học, THCS vẫn loay hoay tìm một mô hình ít “rắc rối” nhất.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nhận định: “Ở bậc mầm non, chăm sóc trẻ là nhiệm vụ chính nên các trường rất quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, có tiêu chí cụ thể đối với bữa ăn bán trú. Còn với bậc tiểu học, việc tổ chức bán trú chủ yếu đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn gửi con cả ngày. Do đây không phải nhiệm vụ chuyên ngành nên các trường gặp khó khăn trong việc tổ chức bữa ăn bán trú, đặc biệt là xây dựng thực đơn bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với tâm lý lứa tuổi”.
Nếu như vài năm trước nhiều trường tự mua thực phẩm, tự tuyển dụng và ký hợp đồng với nhân viên nhà bếp, thu tiền của phụ huynh để trang trải toàn bộ chi phí, thì nay rất nhiều trường ở Q.Hoàn Kiếm, Q.Tây Hồ, Q.Đống Đa… đều liên kết với một đơn vị ở bên ngoài để họ cung cấp thực phẩm và đến trường nấu ăn cho HS dưới sự giám sát của trường. (Còn tiếp)
Vì “hoa hồng” cho lãnh đạo trường, phụ huynh phải đóng thêm tiền
Lãnh đạo của một trường mầm non tại TP.HCM cho hay các trường học đều sử dụng phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng của Bộ GD-ĐT phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia xây dựng. Với số calo quy định cho mỗi lứa tuổi và căn cứ vào số lượng HS, các trường sẽ biết hằng ngày sử dụng số lượng thịt, rau, trứng, sữa cụ thể. Tuy nhiên, do phải sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, có hóa đơn tài chính nên xảy ra tình trạng tiền ăn học trò phải đóng tăng cao. “Thường các đơn vị cung cấp thực phẩm phải chiết khấu hoa hồng, “tiền bôi trơn” cho hiệu trưởng một số đơn vị nên những khoản tiền này đều tính vào giá thành. Như vậy, lẽ ra có thể bữa ăn HS chỉ có thể là 20.000 đồng nhưng phụ huynh phải đóng 25.000 đồng hoặc với giá tiền ăn đó, các trẻ có thể ăn đa dạng thức ăn chứ không phải ăn nhiều thịt heo như hiện nay. Mà để ăn nhiều thịt heo quá mức cần thiết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng trong cơ thể”, vị này cho biết .    
    Bích Thanh

Nhiều trường còn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc
Theo thống kê của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, hiện TP có khoảng 2.821 trường học có dịch vụ ăn uống. Trong đó 1.620 trường thực hiện bếp ăn tập thể và 318 trường sử dụng suất ăn sẵn. Như vậy, bếp ăn tập thể đang chiếm hơn 50% và tập trung phần lớn ở bậc mầm non với 99,1% số đơn vị. Tuy nhiên, đến tiểu học, số trường tổ chức bếp ăn tập thể chỉ còn 32,1% và tiếp tục giảm mạnh ở hai bậc THCS, THPT, với hơn 20% ở mỗi bậc học.
Từ năm 2014 đến tháng 9.2017 có 5 vụ ngộ độc thực phẩm. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, qua phân tích kiểm nghiệm, có hơn 60% vụ ngộ độc xảy ra trong trường học do thức ăn nhiễm vi sinh vật, 25% là do thực phẩm bị biến chất, gần 4% là do có hóa chất tồn dư trong thực phẩm và hơn 10% do các tác nhân khác. Nguyên do để xảy ra ngộ độc thực phẩm là nhân viên chưa nắm vững kiến thức về bảo quản thực phẩm an toàn, chế biến thực phẩm chưa hợp vệ sinh... Bên cạnh đó, một số bếp ăn, căn tin trong trường học còn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa có sự giám sát chặt chẽ chất lượng thực phẩm trước khi đưa vào sử dụng.  
 Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.